Cập nhật: 13/03/2017 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngoài những yếu tố nguy cơ chung cho cả nam và nữ giới, các yếu tố nguy cơ hormon sinh dục nữ, có thai, sinh con cũng như các yếu tố giới tính cụ thể khác khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị đột quỵ có thể gây tử vong và di chứng. Xuất phát từ tính đặc thù về giới tính nữ, trong những khuyến cáo mới gần đây có khuyến cáo dành riêng để kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm phòng chống đột quỵ đối với phụ nữ.

Phụ nữ cần cảnh giác với cơn đau nửa đầu thoáng qua vì nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tần số cơn đau nửa đầu và nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ.

Số liệu thống kê trong những năm gần đây cho thấy, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7 - 2,5% ở cả nam và nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị đột quỵ đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.

Những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở nữ

Tiền sản giật

Nếu có các triệu chứng của tiền sản giật, bạn có nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai và có thể bị đột quỵ. Điều này là đặc biệt quan trọng, cần được quản lý thai nghén chặt chẽ bởi bác sĩ sản khoa trong và sau khi sinh.

Thuốc ngừa thai đường uống

Dùng thuốc ngừa thai đường uống có thể có nguy cơ bị đột quỵ. Đây là lý do tại sao các hướng dẫn khuyên bạn nên theo dõi huyết áp trước khi bắt đầu dùng thuốc ngừa thai. Phụ nữ trên 30 tuổi có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường đặc biệt có nguy cơ bị đột quỵ khi sử dụng thuốc tránh thai đường uống.

Liệu pháp thay thế hormon (HRT)

Nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế hormon (HRT) có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc sử dụng liệu pháp thay thế hormon, trong đó bao gồm progestin và estrogen để làm giảm các triệu chứng rối loạn của thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Đau nửa đầu với cơn thoáng qua (aura)

Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu gấp 4 lần so với nam giới. Đau nửa đầu với cơn thoáng qua được định nghĩa là một đau nửa đầu điển hình cộng với sự hiện diện của rối loạn thị giác, ù tai một bên hoặc cảm giác châm chích; hoặc bị tê, yếu một bên, hoặc khó nói xuất hiện trước khi có triệu chứng đau đầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tần số cơn đau nửa đầu và nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ.

Rung nhĩ

Thống kê cho thấy, rung nhĩ làm tăng 4 - 5 lần nguy cơ đột quỵ. Rung nhĩ phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới trên 75 tuổi, nguy cơ rung nhĩ càng tăng khi phụ nữ càng lớn tuổi.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp và đột quỵ là một trong những mối liên quan chặt chẽ nhất trong tất cả các yếu tố nguy cơ.

Dấu hiệu đặc trưng trong khởi phát đột quỵ ở nữ

Các triệu chứng của đột quỵ thường xảy ra rất đột ngột, bao gồm: Yếu hoặc tê đột ngột ở mặt, hoặc cánh tay hoặc chân, yếu hoặc bị tê ở một bên của cơ thể; Nhầm lẫn đột ngột, khó nói hoặc khó hiểu; Nhìn khó xảy ra đột ngột ở một hoặc cả hai mắt; Khó đi lại đột ngột, mất cân bằng và/hoặc phối hợp, hay chóng mặt; Nhức đầu dữ dội đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng.

Một số triệu chứng và dấu chứng hay gặp trong khởi phát đột quỵ ở phụ nữ: Ngất xỉu hoặc bất tỉnh; yếu toàn thân; khó thở; thay đổi đột ngột trong hành vi; lo lắng; ảo giác; buồn nôn và/hoặc nôn; đau đớn; động kinh và nấc cụt.

Đôi khi có những dấu hiệu ban đầu của đột quỵ thường thấy ở phụ nữ nhưng không được công nhận là một triệu chứng của đột quỵ ngay lập tức, do đó dẫn đến trì hoãn điều trị. Chỉ khi một cơn đột quỵ được công nhận mới bắt đầu điều trị, điều này có thể làm trôi qua “3 giờ vàng” sau khi khởi phát đột quỵ, đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để áp dụng các phương pháp điều trị có hiệu quả nhất, hạn chế tử vong và di chứng về sau.

Làm thế nào để ngăn chặn đột quỵ ở phụ nữ?

Nắm hiểu những dấu hiệu của đột quỵ ở phụ nữ chỉ là bước đầu tiên. Phòng ngừa là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Một số phương pháp phòng ngừa đột quỵ ở phụ nữ bao gồm:

1. Theo dõi huyết áp trong thời gian mang thai hoặc khi uống thuốc ngừa thai.

2. Kiểm tra xét nghiệm đái tháo đường; theo dõi mức cholesterol máu.

3. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.

4. Bỏ hút thuốc, không uống rượu.

5. Tập thể dục tối thiểu 20 phút mỗi ngày.

6. Báo cáo bất kỳ thay đổi trong tâm trạng của bạn, chú ý nguy cơ trầm cảm.

7. Ngủ khoảng 7-8 giờ mỗi đêm.

8. Sử dụng dầu ôliu để nấu ăn vì lợi ích cho tim mạch.

9. Theo dõi và giám sát đau đầu của bạn và tìm kiếm sự giúp đỡ đối với chứng đau nửa đầu nghiêm trọng.

10. Đối phó với stress một cách hiệu quả.

BS. Thanh Hoài

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm