Cập nhật: 14/02/2017 08:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

YBĐT - Sống trên vùng đất màu mỡ, được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật tự nhiên, người Thái ở Mường Lò đã tích lũy, xây dựng một nét văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và độc đáo. Có thể kể như món xôi ngũ sắc, pa pỉnh tộp (cá suối nướng), “nhứa xổm” (nem chua)....

Khách du lịch thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Thái Mường Lò. (Ảnh: Thành Trung)

Từ nguồn thực phẩm phong phú mang đậm bản sắc núi rừng Tây Bắc, người Thái ở Mường Lò đã chế biến thành các món ăn độc đáo mà ai đã từng thưởng thức không thể quên. Gia đình nhà chị Lường Thị Hồng Chung ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là địa chỉ quen thuộc của những du khách đến khám phá miền Tây. Đến đây, du khách được sống trong không gian nhà sàn ấm cúng, tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với đồng bào Thái, được thưởng thức những món ăn đặc biệt hấp dẫn.

Mỗi năm, gia đình chị Chung đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, chị chia sẻ: “Đối với dân tộc Thái, việc làm món ăn trong dịp lễ, tết hay tiếp khách có vai trò rất đặc biệt. Các món ăn được chế biến cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng nguyên liệu riêng. Tham gia chuẩn bị các món ăn trong ngày lễ, tết là niềm vui của mỗi thành viên. Món ăn trong những ngày vui này mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, đó không chỉ là hưởng thụ thành quả lao động do mình làm ra mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xóm, là sự tiếp nối truyền thống văn hóa ẩm thực của tổ tiên để lại”.

Trong các món ăn hàng ngày cũng như lễ hội, người Thái rất chú trọng đến gia vị và màu sắc vì đặc điểm thiên nhiên ở đây giá lạnh, rất cần có những món ăn ấm, nóng với màu sắc mạnh. Đó là một hình ảnh đẹp thể hiện cảm quan thẩm mỹ của người Thái và sự hài hòa trong các món ăn. Trong những món ăn được chế biến từ hạt gạo Mường Lò, món xôi ngũ sắc là nổi tiếng nhất.

Để làm được món xôi ngũ sắc ngon, việc chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Gạo thổi xôi phải là nếp Tan Lả (hay còn được gọi là gạo nếp Tú Lệ). Loại gạo nếp này sở dĩ được chọn làm xôi vì vừa thơm vừa dẻo và được đánh giá là loại gạo ngon nhất của núi rừng Tây Bắc. Nó không chỉ thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt gạo, thơm của lá nếp mà còn thỏa mãn thị giác với những màu sắc đẹp.

Nói đến ẩm thực người Thái không thể không nhắc tới các món nướng. Ở đây, các món nướng được chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ, sử dụng những loại nguyên liệu riêng, các loại gia vị độc đáo. Ví dụ như món cá pỉnh tộp, từ lâu đã trở thành món ăn đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái, được nhiều người biết đến.

Là người chế biến món cá pỉnh tộp ngon nhất nhì đất Mường Lò, anh Lò Văn Bình ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Món cá suối này sau khi được làm sạch, ướp với gia vị đặc trưng của đồng bào Thái rồi mới mang đi nướng. Cá chín vàng ruộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng và các loại rau thơm thì đạt chuẩn”.

Người Thái còn có món ăn nữa cũng thú vị, hấp dẫn và đặc biệt được du khách yêu thích là món “nhứa xổm” (nem chua). Mỗi dân tộc có một phương pháp làm món này khác nhau, với người Thái, họ làm nem chua bằng phương pháp muối chua thịt lợn nạc cùng thính gạo rang trộn với muối, hạt sẻn hoặc hạt dổi… gói bằng lá dong rồi treo trên gác chạn trong khoảng 5 ngày. Đây là món ăn khoái khẩu của đàn ông dân tộc Thái trong các bữa tiệc dịp lễ, tết.

Có thể nói, các món ẩm thực của đồng bào Thái vùng Mường Lò vô cùng tinh tế, đậm đà hương vị núi rừng Tây Bắc. Chắc hẳn, nhiều du khách đã đến đều muốn quay lại để thêm một lần thưởng thức những món ăn dân dã mà đầy hấp dẫn này!

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm