(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi ở nhiều địa phương giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 1/2017, mức bán tại các trang trại giao động từ 26.000 – 30.000 đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi lỗ từ 1-1,4 triệu/tạ. Hiện nay, giá lợn đã có mức tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn chưa thực sự bền vững.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, nguyên nhân dẫn đến giá lợn thịt giảm do nguồn cung của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng khá dồi dào, trong khi sức mua của thị trường về các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn. Ngoài ra cũng có những bất cập trong vấn đề điều tiết của khâu lưu thông, phân phối.
Trước tình hình giá cả lợn thịt có nhiều biến động, Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để người chăn nuôi bình tĩnh vượt qua thời điểm này, các cơ quan quản lý và truyền thông cần thông tin đầy đủ kịp thời về giá cả thị trường ở các vùng để người chăn nuôi và người tiêu dùng biết, tránh thương lái lợi dụng ép giá. Các địa phương triển khai đầy đủ nội dung theo Văn bản số 11205/BNN-CN ngày 29/12/2016 của Bộ NN&PTNT, trong đó có biện pháp tạo mọi điều kiện cho việc vận chuyển thông thương các sản phẩm chăn nuôi.
Các doanh nghiệp kinh doanh vật tư thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tổ chức chứng nhận sự phù hợp lĩnh vực chăn nuôi cần tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận để hạ giá vật tư đầu vào giúp người chăn nuôi. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ và Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay cho người chăn nuôi lợn thuộc đối tượng chính sách, gia đình khó khăn và các cơ sở chăn nuôi duy trì đàn giống.
Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, người chăn nuôi cần rà soát đánh giá, loại thải những con giống, nhất là những lợn nái kém chất lượng và không bán phá giá lợn trên thị trường. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường chức năng kiểm soát và vận động thương lái thực sự chia sẻ với người chăn nuôi để cùng người tiêu dùng thực phẩm mua lợn và thịt lợn có lợi cho người nông dân.
Về lâu dài, để hạn chế tình trạng giá sụt giảm gây thua lỗ cho người chăn nuôi, Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương cho rằng, căn cơ của vấn đề này vẫn là tổ chức tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất và gia tăng công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó có hoạt động giết mổ và chế biến, tiệu thụ các sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó là phát huy tối đa vai trò chủ động của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong vấn đề tự kiểm soát chất lượng và thị phần sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trong thời gian tới, Trung ương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, xác định một vài sản phẩm chủ lực có lợi thế có thể xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu. Qua đó nhằm huy động đầu tư xã hội và phát triển một cách bài bản, tạo thương hiệu Quốc gia Việt Nam để cạnh tranh và hội nhập.
Các địa phương tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, trong đó đặc biệt chú ý gắn với thị trường và phát huy lợi thế so sánh để tạo ra các sản phẩm chủ lực, khác biệt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết khép kín, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết những hộ chăn nuôi có tính chất hàng hóa cần nằm trong một chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, việc làm tốt công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, kết hợp áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành chăn nuôi chính là cách thức tốt nhất để tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi nước ta./.
Theo Quốc Thanh/ Chinhphu.vn