Cập nhật: 17/02/2017 10:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

* Sạt lở đê, kè biển ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau

Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khu vực ở các tỉnh: Bình Phước, Gia Lai và Kon Tum nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, cấp nguy hiểm. Vì vậy, các tỉnh cần chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Tại tỉnh Điện Biên, hiện đang là mùa khô, cũng là mùa đốt nương của đồng bào các dân tộc, cho nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao; các vùng trọng điểm được xác định khoảng 178 nghìn ha. Tỉnh đang tuyên truyền nâng cao kiến thức của cộng đồng; chuẩn bị lực lượng và thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.

* Đề phòng nguy cơ cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường trực phòng cháy, chữa cháy rừng suốt 24 giờ; đồng thời cập nhật số liệu dự báo phòng cháy, chữa cháy rừng và tăng cường bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương, thời tiết hanh khô tại thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn khiến nguy cơ cháy rừng cao. Chi cục đang tăng cường lực lượng tuần tra, huy động cán bộ trực suốt 24 giờ; phối hợp các địa phương phát tỉa đường băng cản lửa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân.

* Tại tỉnh Bạc Liêu, triều cường tiếp tục làm sạt lở khu vực kè Gành Hào đoạn G1-835m. Trong đó, phần mái kè bị sạt 60 m2 với chiều dài 6 m, rộng 10 m và sâu 2,5m. Dầm mũ hắt sóng bị gãy hoàn toàn với chiều dài 2 m; nứt và có khả năng gãy hoàn toàn với chiều dài 6,5 m.

* Đợt triều cường vừa qua, nước biển dâng và sóng lớn làm vỡ hơn 70m đê bao ven biển ở khu vực xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), đe dọa hàng trăm ha hoa màu của người dân. Chính quyền địa phương đang khắc phục đoạn đê bị vỡ và gia cố những đoạn đê xung yếu khác, ngăn nước biển tràn vào gây thiệt hại đến sản xuất.

* Tại xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (Cà Mau), những ngày qua triều cường và sóng biển đã làm sạt lở bờ biển và kênh đất với chiều dài 211 m, ảnh hưởng 326 ha nuôi trồng thủy sản. Hiện, khu vực này vẫn có thể tiếp tục bị sạt lở. Lực lượng chức năng đang tổ chức giúp nhân dân khắc phục hậu quả, theo dõi diễn biến các vị trí bị sạt lở, nghiên cứu giải pháp thi công khắc phục, ổn định lâu dài.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thuỷ văn T.Ư cho biết, ngày 17-2, khu vực Bắc Bộ thời tiết vẫn duy trì trạng thái rét, có sương mù về đêm và sáng, Trung Bộ có mưa; Tây Nguyên và Nam Bộ đêm không mưa, ngày nắng.

Hiện mực nước hạ lưu sông Lô và sông Hồng giảm nhanh do các hồ chứa thủy điện lớn thượng nguồn hạn chế phát điện sau khi kết thúc ba đợt xả, phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2016-2017. Dự báo, nguồn nước trên sông Đà đến hồ Hòa Bình có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm; trên sông Lô tại Tuyên Quang, sông Thao tại Yên Bái và sông Hồng tại Hà Nội có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 40%.

* Đợt rét hại kéo dài những ngày qua làm chết 27 con trâu tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Để hạn chế gia súc bị chết do rét hại, UBND huyện Sa Pa khuyến cáo người dân nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông, dự trữ thức ăn khô cho gia súc, di chuyển trâu xuống vùng thấp tránh rét.

* Còn tại tỉnh Trà Vinh, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, đồng thời, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, cho nên dịch bệnh trên tôm nuôi tăng đột biến. Hiện nay, hàng nghìn hộ nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hơn 100 triệu con giống. Các địa phương đang vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi, chọn tôm giống chất lượng, thường xuyên, vệ sinh khu vực nuôi.

* Tại tỉnh Quảng Trị, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu khiến hơn 350 ha bị bệnh, diện tích bị nặng khoảng 40 ha, tập trung ở hai huyện Vĩnh Linh (200 ha) và Gio Linh (khoảng 150 ha). Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra vườn tiêu, khi tiêu bị bệnh cần triển khai biện pháp kịp thời.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 16-2 tàu cá BTh 96972 TS với tám ngư dân đang hoạt động, khai thác hải sản trên biển bị sóng to, gió mạnh đánh chìm. Sau khi tàu bị nạn, tám ngư dân đã được tàu cá BTh 96800 TS và tàu của giàn khoan Đại Hùng cứu an toàn.

* Ngày 16-2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV đã điều tàu cứu nạn SAR27-01 để đưa một ngư dân bị bệnh nặng trên tàu cá KH 90398-TS đang hoạt động trên biển về đất liền điều trị và cứu hộ tàu cá bị hỏng máy đang thả trôi trên biển. Trước đó, cùng ngày tàu cá này đang trên đường về bờ thì bị hỏng máy, phải thả trôi trên biển.

Khẩn trương làm rõ "bùn lạ" bám vào lưới của ngư dân ở Quảng Trị 

Ngày 16-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị có Báo cáo số 27/BC-SNN về "Tình hình tàu thuyền khai thác trên biển bị ảnh hưởng bùn lạ đóng trên lưới" gửi UBND tỉnh. Trước đó, ngày 7-2, ba tàu cá của huyện Gio Linh khai thác tại ngư trường chung quanh đảo Cồn Cỏ, cách bờ khoảng 15 hải lý. Quá trình thu lưới, các ngư dân phát hiện một lớp bùn có mầu vàng đóng vào lưới nhiều. Hiện tượng này đã gây khó khăn cho quá trình thu lưới, vệ sinh vàng lưới, tăng trọng lượng của vàng lưới lên cao đã làm chìm lưới xuống đáy biển gây tổn thất, mất lưới, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho ngư dân. Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh có phương án chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu bùn phân tích.

 

Theo Báo Nhân dân điện tử Nhân dân

Tệp đính kèm