Cập nhật: 19/02/2017 07:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nông dân thôn Vân Chỉ, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) khẩn trương gieo cấy vụ xuân để bảo đảm kịp khung thời vụ. Ảnh: THANH HUYỀN

Hiện, nông dân các tỉnh Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc đang tích cực gieo cấy vụ lúa đông xuân. Tỉnh Thái Bình đã gieo cấy được khoảng 60 nghìn ha, tỉnh Thanh Hóa khoảng 113 nghìn ha; nhiều diện tích lúa đang bén rễ, hồi xanh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tranh thủ thời tiết nắng ấm xuống đồng gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất; thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu, bệnh để xử lý kịp thời.

* Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc có kế hoạch gieo cấy hơn 33.970 ha cây  trồng các loại. Đến nay, toàn tỉnh gieo cấy được khoảng hơn 90% diện tích. Tỉnh  đang chỉ đạo các ngành chức năng khai thác hiệu quả nguồn nước giúp nông dân có  đủ nước sản xuất; trữ nước vào ao, hồ, đầm, kênh mương để bổ sung nước tưới cho  các loại cây trồng khi vào mùa khô hạn.

* Nông dân tỉnh Lào Cai đã làm đất được 8.470 ha và gieo cấy được hơn 1.000  ha lúa vụ đông xuân. Tuy nhiên, một số diện tích lúa ở các huyện: Văn Bàn, Bảo  Yên, Bát Xát, Bắc Hà có nguy cơ bị hạn, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, hướng  dẫn nông dân chuyển sang trồng ngô, hoặc một số cây trồng phù hợp, kiên quyết  không để đất trống.

* Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản cấy xong hơn 19 nghìn ha lúa vụ đông  xuân. Tuy nhiên, một số diện tích đã xuất hiện ốc bươu vàng và chuột gây hại. Dự  báo, thời gian tới sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn có khả năng xuất hiện,  người dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

* Tại tỉnh Hòa Bình, nhiều nơi ốc bươu vàng hại lúa có xu hướng tăng mạnh về  mật độ và diện phân bố, đặc biệt ở những nơi gần kênh dẫn nước, mật độ phổ biến  từ một đến ba con/m2, nơi cao từ 7 đến 10 con/m2. Ngành  nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng bắt ốc, trứng ốc;  cắm cọc ven bờ và rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc các rãnh nước để thu  hút ốc bươu vàng đến đẻ trứng.

* Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện có hơn 37.650 ha lúa vụ đông xuân 2016 -  2017 nhiễm sâu bệnh, chiếm khoảng 12,5% diện tích với sâu bệnh gây hại chủ yếu  là muỗi hành. Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nông dân phòng trị, ngăn chặn,  phòng ngừa sâu bệnh tiếp tục phát sinh lây lan trên diện rộng.

* Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 200 nghìn ha.  Tuy nhiên, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 đã có 3.801 ha lúa bị nhiễm rầy nâu,  trong đó có 20 ha nhiễm nặng với mật độ từ 3.000 đến 4.500 con/m2. Còn lại diện  tích bị nhiễm trung bình khoảng 456 ha.

* Vụ vải năm nay, hàng nghìn ha vải thiều ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) gần  như không trổ hoa. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân bón thúc, tưới  dưỡng, phun phân bón qua lá, chất điều tiết sinh trưởng để vải ra hoa và tăng tỷ  lệ đậu quả; chủ động phun phòng trừ sâu bệnh, dịch hại.

* Huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có gần 50 ha điều đang bị bệnh và bọ xít gây  hại có thể làm giảm sản lượng. Trạm khuyến nông huyện khuyến cáo người dân tích  cực thăm rẫy để phát hiện bệnh và sử dụng thuốc đặc trị. Ngoài ra, khi phun  thuốc, cần chú ý phun hai lần từ khi phát hiện bệnh, thời gian phun cách nhau từ  7 đến 10 ngày.

* Tại xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà (Quảng Ninh), triều cường xâm thực đã  làm xói lở ở bảy vị trí thuộc rừng phi lao chắn sóng, các bãi bồi ven biển, với  chiều dài điểm nhỏ nhất là 120 m, điểm lớn nhất là 1,5 km và chiều sâu từ 3 đến  8 m. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý kịp thời.

Sáng 18-2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn  Hàng hải khu vực III (Trung tâm 3) đã bàn giao tám thuyền viên của tàu  cá BTh-96972 TS cho các cơ quan chức năng và người nhà. Trước đó, ngày  16-2 tàu cá với tám thuyền viên bị sóng đánh chìm khi đang neo đậu cách  Mũi Vũng Tàu khoảng 149 hải lý về hướng đông nam, cách giàn khoan Đại  Hùng khoảng sáu hải lý về hướng đông.

Những ngày qua, ngư dân tỉnh Quảng Bình đánh bắt  hải sản ở ngư trường truyền thống bằng lưới chìm thấy xuất hiện bùn lạ  dính nhiều vào lưới; vị trí, cách bờ biển khoảng ba đến bốn hải lý. Theo  phản ánh của các ngư dân, bùn lạ dính vào lưới ở dạng chất dẻo, mầu hơi  vàng đục như bùn non.

 

PV và CTV báo Nhân dân điện tử

 

 

Tệp đính kèm