Cập nhật: 19/02/2017 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hải Phòng ngày 8-12-2016, từ ngày 1-1-2017, TP Hải Phòng thực hiện thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Khi triển khai thực hiện, một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN có ý kiến phản hồi về tính pháp lý, quy trình ban hành Nghị quyết, cũng như mức phí thu. Để làm rõ thêm, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí NGUYỄN VĂN TÙNG, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

PV: Xin đồng chí cho biết cơ sở pháp lý để TP Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển?

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng: HĐND thành phố Hải Phòng đã cân nhắc khá kỹ khi bàn bạc và ra Nghị quyết về thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (thu phí hạ tầng cảng biển) trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi ngày càng cao của hoạt động giao thương, xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Hải Phòng. Trên cơ sở các quy định pháp luật về phí, lệ phí và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, TP Hải Phòng đã tổ chức xây dựng Đề án thu phí, lấy ý kiến đóng góp của cử tri và DN, HĐND thành phố đã bàn bạc và biểu quyết 100% đại biểu tán thành thông qua, ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết theo đúng quy trình và quy định pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 21 và khoản 1, Điều 22 Luật Phí và lệ phí, HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Tại điểm 1, mục II, phần A của Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí có quy định phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (trong đó có cửa khẩu cảng biển) và giao thẩm quyền quyết định cho HĐND cấp tỉnh. Ngày 3-8-2016, tại Công văn số 4603/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh xây dựng mức phí sử dụng công trình, hạ tầng cảng biển phù hợp Luật Phí và lệ phí. Ngày 31-10-2016, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 15498/BTC-CST đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển sớm trình HĐND cùng cấp ban hành Nghị quyết về thu phí để thực hiện thu từ ngày 1-1-2017.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật và chỉ đạo của T.Ư, TP Hải Phòng đã giao Sở Tài chính chủ trì cùng các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thu phí trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ tháng 10-2016, UBND thành phố Hải Phòng, Sở Tài chính, UBND quận Hải An đã tổ chức sáu cuộc họp với hàng trăm DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cảng biển, xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa, các hãng tàu, đại lý vận tải biển,… để xin ý kiến góp ý xây dựng Đề án thu phí và giải đáp các kiến nghị của DN,... Cùng với đó, toàn văn Đề án thu phí đã được đăng liên tiếp trên ba số báo Hải Phòng và An ninh Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng có nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin về Đề án thu phí.

Giữa tháng 11-2016, HĐND thành phố Hải Phòng tổ chức 99 cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND thành phố đều báo cáo cụ thể Đề án thu phí tới đông đảo người dân, DN, tiếp thu các ý kiến đóng góp và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao. Cục Hải quan TP Hải Phòng cũng đã có Văn bản số 10682/HQHP-VP ngày 22-11-2016 thông báo chủ trương của TP Hải Phòng về việc thu phí tới đông đảo DN kinh doanh cảng biển, DN đại lý, hãng tàu, DN kinh doanh hàng hóa XNK và niêm yết công khai tại các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển theo quy định. Vừa qua, theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tư pháp, Công thương, Giao thông vận tải, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội,... đều đã có văn bản khẳng định HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 về thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-1-2017 là theo đúng thẩm quyền, phù hợp quy định của Luật Phí và lệ phí và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình ban hành đúng quy định...; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đã kiểm tra tính pháp lý và đến nay chưa thấy có quy định trái pháp luật trong Nghị quyết này...

PV: Xin đồng chí cho biết mức thu và cơ sở để xây dựng mức thu phí hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng: Do Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, UBND thành phố Hải Phòng đã tham khảo mức thu phí tại các địa phương có cửa khẩu đất liền như: Quảng Trị, Tây Ninh, Lào Cai, Quảng Ninh,... và căn cứ vào tình hình thực tế của DN hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn để xây dựng mức phí. Theo đó, hai phương án được đề xuất: phương án 1 thu 250 nghìn đồng/công-ten-nơ 20 phít, 500 nghìn đồng/công-ten-nơ 40 phít; phương án 2 thu 500 nghìn đồng/công-ten-nơ 20 phít, một triệu đồng/công-ten-nơ 40 phít. Sau khi lấy ý kiến góp ý của DN và cử tri, cân nhắc tác động của việc thu phí đến DN, UBND thành phố Hải Phòng đã trình HĐND thành phố phương án 1. Đây là phương án có mức thu phí thấp hơn nhiều so với tỉnh Lào Cai (địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền). Cụ thể, mức thu phí của TP Hải Phòng chỉ bằng 50% đối với công-ten-nơ 20 phít và 62,5% đối với công-ten-nơ 40 phít. Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thu phí tại khu vực cửa khẩu cảng biển, nên chưa có cơ sở để so sánh mức thu phí của Hải Phòng với mức thu phí cửa khẩu cảng biển của các địa phương khác. Việc thực hiện thu phí đối với hàng hóa XNK cũng được thực hiện theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và việc lựa chọn phương án mức thu phí thấp cũng là thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển DN, giảm bớt chi phí cho DN.

Mặt khác, cần khẳng định, việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng không có chuyện “phí chồng phí”. Đây là phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển, không trong phạm vi của các DN kinh doanh dịch vụ cảng biển và các đơn vị quản lý đường cao tốc, quốc lộ... Mặt khác, thành phố cũng đề nghị đưa toàn bộ số thu từ phí này để duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng sau cảng và xây mới một số công trình phục vụ cho chính các hoạt động giao thông, giao thương hàng hóa ngày càng nhanh chóng, thuận tiện... Thực tế, TP Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư một số công trình phục vụ giao thông sau cảng như nâng cấp đường 356 từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ- tuyến đường huyết mạch thường xuyên xảy ra tắc nghẽn; cầu vượt tại nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán vừa qua. Cùng với đó là cầu vượt tại ngã ba đường 356- Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường 359 nối từ Khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên) sang, hệ thống cầu qua sông Cấm và các tuyến đường khác nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của hoạt động vận tải và giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng biển Hải Phòng và các địa phương lân cận,…

PV: Đồng chí có ý kiến gì trước phản ánh của một số DN, hiệp hội, tổ chức liên quan đến việc thu phí của Hải Phòng?

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng: Quan điểm của UBND thành phố Hải Phòng là tạo mọi thuận lợi cho DN đầu tư, hoạt động và phát triển nói chung. Trong lĩnh vực thu phí, thành phố cũng chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu phí và các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục những vướng mắc, khó khăn ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho các DN nộp phí, trên cơ sở không để ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa XNK. Việc thu phí được thực hiện 24 giờ trong ngày, sử dụng máy in hóa đơn, kết nối thông tin với các cơ quan liên quan và trích xuất dữ liệu từ Hải quan TP Hải Phòng để bảo đảm việc thu phí nhanh chóng, thuận tiện. Hiện tại, thời gian để giải quyết một bộ hồ sơ thu phí chỉ khoảng ba phút và không xảy ra tình trạng ách tắc. Mặt khác, TP Hải Phòng đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm thu phí và tiến tới thực hiện thu phí điện tử ngay trong quý I-2017 này. Khi đó, DN nộp phí không nhất thiết phải trực tiếp đến các điểm thu phí, mà có thể đóng phí từ xa, giảm bớt thời gian làm thủ tục nộp phí,… Để giản tiện hơn nữa, TP Hải Phòng đã có chủ trương tạo điều kiện cho các DN XNK lớn, có uy tín, thay vì phải làm thủ tục thường xuyên thì được nộp và quyết toán phí theo tháng...

Đồng thời, thành phố cũng trân trọng ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các DN và các cơ quan liên quan về mức thu phí đối với hàng rời và hàng hóa là ô-tô (không đóng trong công-ten-nơ) và rà soát mức phí, so sánh với các địa phương khác khi tiến hành thu phí tương tự, để xem xét, điều chỉnh cho hợp lý, vừa bảo đảm nguồn thu theo quy định, vừa bảo đảm lợi ích DN và môi trường kinh doanh thuận tiện, thông thoáng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGÔ QUANG DŨNG/

Báo Nhân dân điện tử

(thực hiện)

Tệp đính kèm