Cập nhật: 24/02/2017 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng bị xói mòn, tạo "lỗ hổng" cho hàng ngoại giá rẻ len lỏi vào thị trường nô%3ḅi địa.

Hàng Việt đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có sức ép và lỗ hổng trong hệ thống bán lẻ nội địa.

Thị trường rơi vào tay “ông lớn”?

Tại Hội thảo công bố kết quả điều tra tiêu dùng Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa cho rằng, ở một chừng mực nhất định, người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen giao dịch, mua sắm trực tiếp. Kênh phân phối điện tử (online) mặc dù có khởi sắc song chưa thể chiếm ưu thế. Hiện, người tiêu dùng mới tập trung mua online ở những dòng sản phẩm giá trị thấp, nhiều nhất là sản phẩm của các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử.

Tờ VietnamPlus dẫn lời ông Nghĩa cho hay: Quyền lực thị trường đang tập trung trong tay các doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng, bên cạnh đó là ưu thế tuyệt đối độc quyền của một số doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh về tài chính. Họ có đủ chi phí để mở rộng và đi sâu vào tất cả mạng lưới phân phối, chú trọng trưng bày tại các điểm bán, bao bì sản phẩm đẹp, truyền thông mạnh mẽ và có dải sản phẩm sâu rộng, rõ nét.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn không minh bạch đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ thực sự lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác… ngày càng phổ biến.

Ông Nghĩa dẫn chứng, thực tế đã có không ít doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính đã mất thị trường và phải phá sản do sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái trên thị trường. Ngoài ra, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không sản xuất mà mua sản phẩm của Trung Quốc…, sau đó về dán nhãn rồi tung ra thị trường, đã khiến người tiêu dùng quay lưng do mất lòng tin.

Hàng Thái giá rẻ len lỏi vào siêu thị

Hiện các doanh nghiệp Thái Lan đang tăng cường tiếp cận thị trường Việt thông qua các chuỗi bán lẻ (như Metro, Big C, B’s mart,…). Họ tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt.

Đáng chú ý, kể từ khi các đại gia Thái Lan thâu tóm các siêu thị Việt, hàng hóa của nước này ngay sau đó đã tràn ngập trên các kệ hàng. Đáng chú ý sau một khoảng thời gian, giá bán của các sản phẩm có xu hướng giảm mạnh, khuyến mãi kích cầu người tiêu dùng.

Nếu như trước đây, giá bán các sản phẩm hàng hóa của Thái Lan thường bằng hoặc cao hơn các sản phẩm sản xuất trong nước từ 5 - 10% thì hiện nay tại một số siêu thị, các sản phẩm mang mác Thái được khuyến mãi ồ ạt với mức giá rẻ bất ngờ nếu so sánh với các dòng sản phẩm trong nước cùng khối lượng, kích cỡ.

Giờ đây, hàng Thái có mặt khắp các ngóc ngách, từ các siêu thị, đại lý, cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan đến các sạp hàng trong các khu chợ dân sinh, cửa hàng trực tuyến.... Với sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, các sản phẩm như: đồ gia dụng, thời trang, điện tử hay thực phẩm đã qua chế biến của Thái được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng.

 

Hàng Thái giá rẻ đang tràn vào Việt Nam (Ảnh: Báo Lao động)

Chia sẻ trên Báo Lao động, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp bán hàng Thái Lan tung chiêu khuyến mãi kích cầu, giảm giá sản phẩm... để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Trong đó, phải kể đến những dòng sản phẩm thế mạnh của Thái là hàng dụng cụ gia đình (đồ nhôm, đồ nhựa…); hàng mỹ phẩm, tạp phẩm (xà phòng, kem đánh răng, sữa rửa mặt, nước gội đầu, sữa tắm, nước rửa bát…); hàng phụ tùng xe máy; thực phẩm công nghiệp được chế biến sẵn (mì tôm, nước tương, nước mắm…).

Hiện nay, các doanh nghiệp Thái không những đầu tư mạnh vào hệ thống phân phối mà còn đầu tư cả sản xuất. Để không bị hàng Thái lấn lướt, ông Phú cho rằng, điều mấu chốt doanh nghiệp Việt cần phải làm là từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, có cơ chế chính sách rõ ràng, hiệu quả, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Nếu không chịu thay đổi mẫu mã, sản xuất phân phối rời rạc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó có vươn lên để cạnh tranh và giành lại niềm tin của người tiêu dùng.

"Cửa” nào cho các nhà bán lẻ Việt?

Mới đây, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp vừa được giao nhiệm vụ tìm giải pháp hỗ trợ các nhà bán lẻ Việt Nam. Theo đó, các Bộ sẽ phải phối hợp với các địa phương, rà soát, điều chỉnh quy định trong lĩnh vực bán lẻ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển; chấn chỉnh các địa phương tuân thủ theo đúng quy định liên quan của pháp luật trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp FDI. Đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về thuế, giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế và thực hiện truy thu thuế theo đúng quy định; chia sẻ kết quả thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở xem xét, cấp phép doanh nghiệp FDI thành lập cơ sở bán lẻ mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài" và "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài" quy định tại Luật Đầu tư để quản lý được các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bộ Công Thương và Bộ Tư Pháp phải xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Nghị định định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Tệp đính kèm