Việt Nam là đất nước có nền văn hoá lâu đời, nhiều dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ thống nhất, cùng đóng góp phong tục tập quán mang bản sắc riêng của mỗi vùng miền, dân tộc, tôn giáo… cho nền văn hoá nước nhà. Trong đó lễ hội cổ truyền là yếu tố vừa đặc trưng cho mỗi dân tộc, vừa làm cho văn hoá đất nước đặc sắc hơn.
Lễ hội cổ truyền là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian tổng hợp, vừa độc đáo vừa phong phú đa dạng, bắt nguồn và phát triển rất lâu đời từ thực tiễn hoạt động của đời sống xã hội, sự giao lưu, tiếp biến văn hoá của cộng đồng. Có thể coi lễ hội cổ truyền là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hoá dân gian cổ truyền dân tộc. Bởi lẽ, trong lễ hội cổ truyền bao hàm hầu như đầy đủ các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, như: về văn học dân gian, có truyền thuyết, văn tế, văn bia, hoành phi câu đối, ca dao hò vè,…; về nghệ thuật biểu diễn dân gian có diễn xướng, sân khấu dân gian, các làn điệu dân ca,…; về tôn giáo có phong tục và tín ngưỡng dân gian gồm các nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn, trò chơi dân gian, tục lệ, đối tượng thờ cúng,… Do vậy, có thể xem lễ hội cổ truyền không chỉ là một hiện tượng văn hoá dân gian mà còn là một hiện tượng lịch sử xã hội. Nó phản ảnh khá trung thực và rõ nét cốt cách, bản lĩnh và bản sắc dân tộc, đồng thời chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn tâm linh vừa linh thiêng vừa trần tục của cộng đồng dân cư trong suốt thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhiều yếu tố văn hoá tinh thần được lễ hội cổ truyền bảo lưu và truyền tụng từ đời này sang đời khác, và thực sự trở thành di sản văn hoá truyền thống vô giá.
Lễ hội Tây Thiên
Trên thực tế, chúng ta thấy rằng lễ hội cổ truyền là một hiện tượng xã hội tổng thể, trong đó có một số các đặc trưng chủ yếu như: là một dạng sinh hoạt tín ngưỡng – tâm linh; là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng địa phương; là dịp đoàn kết, giáo dục truyền thống cộng đồng; là hội chợ trưng bày các sản phẩm địa phương và các vùng khác; là dịp tổ chức các hoạt động giao tiếp như sinh hoạt nghệ thuật, các trò chơi giải trí, thể thao; là địa điểm hành hương, du lịch. Tất cả những đặc trưng trên của lễ hội cổ truyền đều gắn với một đặc điểm là: lễ hội là một sản phẩm của quá khứ, được gìn giữ cho hiện tại và mai sau, lễ hội cổ truyền là một di sản văn hoá của cộng đồng người việt.
Vĩnh Phúc là một tỉnh ở vùng châu thổ sông Hồng (khu vực tiếp giáp giữa miền núi và đồng bằng), có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ. Văn hoá dân gian Vĩnh phúc vừa đậm nét cổ xưa nguyên thuỷ của vùng văn hoá Hùng Vương, vừa có sắc thái văn hiến phức hợp của vùng văn hoá Kinh Bắc – Thăng Long, với gần 500 làng cổ còn lưu giữ một kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú. Trong đó có khoảng 520 lễ hội cổ truyền đã và đang được bảo tồn. Nhiều lễ hội chưa được khôi phục nhưng các lễ thức cầu cúng, thờ tự vẫn diễn ra ở hầu hết các di tích thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh của nhiều đối tượng. Lễ hội cổ truyền diễn ra quanh năm, trong số đó tập trung chủ yếu vào mùa xuân, mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Lễ hội cổ truyền Vĩnh Phúc phản ánh sự thích nghi, lối ứng xử của cộng đồng cư dân đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Lễ hội cổ truyền phong phú về quy mô loại hình, đa dạng trong tổ chức, nghi lễ, lễ vật dâng cúng, trò diễn,… phản ánh sự đa dạng văn hoá của cộng đồng cư dân Vĩnh Phúc.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội cổ truyền ở là hết sức cần thiết bởi:
- Lễ hội là thời điểm đoàn kết sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người ôn lại truyền thống lịch sử của đất nước, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, đối với những người có công với đất nước, với quê hương, làng xã, cùng nhau thực hiện tốt những giá trị văn hoá được trao truyền từ thế hệ trước; là môi trường lành mạnh để các thế hệ gặp gỡ, cộng cảm, kể cả với thần linh, tổ tiên… đó chính là hình thức sinh hoạt mang tính vẹn toàn về văn hoá tâm linh, giúp con người hoà nhập với cộng đồng và không đứt đoạn với truyền thống dân tộc.
Bảo tồn và phát huy lễ hội là môi trường giúp cho cộng đồng bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hoá của làng mình một cách tốt nhất. Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu của văn hoá dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hoá dân tộc ấy… điều này càng trở nên quan trọng trong điều kiện xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá hiện nay, khi mà sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thì làng xã và lễ hội Việt Nam lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong những năm gần đây, lễ hội cổ truyền ở Vĩnh Phúc đã được nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đặc biệt là ngành Văn hoá Thể thao & Du lịch quan tâm hơn. Người ta ý thức được rằng trong sự nghiệp chấn hưng nền văn hoá dân tộc, thì lễ hội cổ truyền đóng một vai trò quan trọng, để giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân lao động, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và hướng về cội nguồn, đối với thế hệ trẻ, để họ kế thừa và phát huy truyền thống cha ông. Lễ hội cổ truyền đang được phục hồi tương đối toàn diện, rộng khắp,công tác bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền ở Vĩnh Phúc đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Vĩnh Phúc:
Lễ hội cổ truyền được phục hồi đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của toàn xã hội. Trong những năm qua, nghành văn hoá thể thao và du lịch Vĩnh Phúc đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan nghiên cứu Trung ương và các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương tiến hành nghiên cứu, bảo tồn khôi phục, phát huy một số lễ hội tiêu biết của tỉnh, tổ chức trang trọng, theo đúng phong cách truyền thống, xong vẫn phù hợp với đời sống văn hoá của xã hội hiện nay, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự như: Lễ hội Tây Thiên ( Đại Đình – Tam Đảo) được đầu tư hàng trăm tỉ đồng quy hoạch, xây dựng thành lễ hội trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển “kinh tế du lịch tâm linh” thu hút 15 vạn lượt người đi du lịch tâm linh và lễ đền. Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu hằng năm thu hút trên 20 nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh đến dự. Ngoài ra một số lễ hội tiêu biểu đã được bảo tồn và phát huy: lễ hội Rước nước Đền Ngự Dội (Vĩnh Ninh - Vĩnh Tường); lễ hội Đúc Bụt (Đồng Tĩnh – Tam Dương); lễ hội Chạy Cày (Đan Trì - Tam Dương); lễ hội Cướp Phết (Bàn Giản – Lập Thạch); lễ hội Leo cầu đinh (Lập Thạch); lễ hội Xuống đồng của người Cao Lan (Quang Yên – Lập Thạch)…
Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền còn góp phần giáo dục ý thức nhân dân trong việc bảo vệ và tôn tạo di tích - nơi diễn ra lễ hội, tránh được sự hoang phế và xuống cấp cho các di tích lịch sử - văn hoá. Trên thực tế, mỗi năm nhân dân đã đóng góp nhiều tỉ đồng cho tôn tạo di tích của làng xã mình.
Lễ hội kéo song Hương Canh
Lễ hội cổ truyền kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương. Nhiều lễ hội được khôi phục không chỉ thuần túy vì lý do văn hoá tâm linh mà còn cả lý do kinh tế: Lễ hội chọi Trâu Hải Lựu huyện Lập Thạch, được khôi phục từ năm 2002, hiện nay đã và đang là nguồn thu nhập kinh tế chính của địa phương. Các dịch vụ phục vụ cho du khách đến lễ hội phát triển đã tăng nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Ngoài ra từ lễ hội còn có thể quảng bá làng nghề và tiêu thụ sản phẩm mĩ nghệ của địa phương. Hiện nay hoạt động bảo tồn, phát huy lễ hội đang góp phần đem lại lợi ích kinh tế du lịch, một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, trong công tác bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền ở Vĩnh Phúc vẫn đang tồn tại một số mặt hạn chế cần các ngành các cấp, cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân nơi có lễ hội nhận thức và khắc phục kịp thời:
Việc khôi phục lễ hội một cách tràn lan, thậm chí “kịch bản hoá”, “bắt chước” nhau một cách máy móc, nhiều địa phương cố gắng để được công nhận di tích và xếp hạng di tích, được tổ chức lễ hội, kể cả những nơi chưa có được cội nguồn lịch sử cần thiết làm nền cho nghi lễ và hội hè… khiến lễ hội trở nên nghèo nàn đơn điệu.
Hiện tượng thương mại hoá lễ hội đang bộc lộ rõ nét không chỉ trong cung cách tổ chức lễ hội mà còn cả trong nghi lễ, lễ tiết của lễ hội như việc khoán lễ hội, dịch vụ khấn thuê, lạy thuê, cầu xin thuê,… nhiều người lợi dụng việc tổ chức lễ hội để kiếm lời bằng các loại hình dịch vụ ăn theo như ăn, nghỉ, bán hàng thu tiền với giá quá đắt, quảng cáo tràn lan, “buôn thần bán thánh”… Thực trạng này không chỉ tồn tại trong lễ hội có quy mô lớn, mà còn len lỏi vào lễ hội nhỏ ở nhiều vùng quê.
Mê tín dị đoan và đốt vàng mã tràn lan đang có cơ hội phát triển: Lên đồng, bói toán, xóc thẻ, xin số… đang có chiều hướng tăng lên, tác động đến ý thức, tinh thần của nhiều người. Biến những thánh nhân có công, có đức trong lịch sử thành đối tượng cho những hoạt động phản văn hoá của kẻ lợi dụng tín ngưỡng tâm linh làm ăn bất chính…
Một số hủ tục và tệ nạn xã hội phục hồi, như nạn cờ bạc, hút sách, chè chén phung phí có dịp được hoạt động. Trong không khí cởi mở của hội lễ mọi người dễ có tâm lý đồng hoá, nhìn mọi sự việc bằng con mắt ưu ái, coi như không có hại, nhưng nó làm vẩn đục bầu không khí trong lành của ngày hội và ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của con người ở Vĩnh Phúc.
Lễ hội bơi trải Tứ Yên
Vào dịp lễ hội, các hàng rong, hàng quán ăn uống có cơ hội phát triển, tuy nhiên nhiều thực khách vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường, còn tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan di tích và hình ảnh lễ hội.
Dưới đây là một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội cổ truyền ở tỉnh đạt hiệu quả và khắc phục những tiêu cực còn tồn tại:
1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội:
Chính quyền địa phương, ban quản lý di tích cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân phòng ngừa những hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định của mỗi cá nhân.
2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lễ hội:
Hoàn thiện các thể chế luật pháp – chính sách để xử lý các vi phạm và tôn vinh những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội cổ truyền. Chính quyền địa phương cùng nhân dân cần chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng – Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng.
3. Xây dựng chương trình bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội cổ truyền; đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tổ chức lễ hội có nhiều giá trị văn hoá:
Mỗi lễ hội phải tạo ra được sự hấp dẫn mang tính riêng biệt đặc thù, với các nội dung hình thức phong phú mang đậm sắc thái địa phương. Bên cạnh mỗi lễ hội đơn lẻ cần có kế hoạch tổ chức một số lễ hội lớn, trọng điểm, có sự đầu tư thích đáng nhằm tôn tạo các giá trị văn hoá phi vật thể đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, đồng thời khai thác kinh doanh du lịch cùng các dịch vụ khác về lễ hội nhưng không làm mất đi bản sắc của lễ hội.
4. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hoá các cấp, nhất là ở cơ sở:
Mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hoá cơ sở, trong đó chú trọng nội dung quản lý lễ hội cổ truyền. Ngoài việc trang bị những quan điểm, đường lối của Đảng – Nhà nước, quy chế, văn bản pháp quy của ngành đối với lễ hội cổ truyền, cũng nên nhấn mạnh đến việc tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền như một hiện tượng văn hoá có nhiều mục đích, huy động nguồn lực trong dân vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội một cách đồng bộ.
ST