Giờ phút chia tay bịn rịn với gia đình của một chiến sĩ trước giờ lên tàu làm nhiệm vụ.
Năm nay, cả nước kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) với lời nhắn nhủ quay trở về giá trị truyền thống bên bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Mong muốn thì như thế, nhưng trong nhiều bữa cơm của gia đình các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư ở mọi miền đất nước, lâu nay vẫn thường thiếu vắng hình bóng người cha. Chỉ có những người vợ của các anh đã và đang lặng lẽ lo toan, vừa làm mẹ, vừa làm cha. Đó là bến bờ bình yên, là hậu phương cho người lính biển.
Những ngày này, sau bữa cơm chiều, bốn mẹ con chị Tho ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) lại ngồi quây quần quanh chiếc ti-vi nhỏ ở góc nhà để theo dõi chương trình thời sự. Có lần, bé Minh Thảo, cô con gái 11 tuổi của chị Tho reo lên vui mừng chỉ cho hai em thấy con tàu kiểm ngư, nơi bố Hà Văn Minh đang làm nhiệm vụ, xuất hiện trong bản tin truyền hình. Cô bé ngây thơ chưa thật hiểu về công việc mà bố và đồng đội đang làm, nhưng biết rất rõ bố Minh đang phải đối mặt với hiểm nguy nơi biển xa. Minh Thảo thường tự hào về tâm sự với mẹ: "Mẹ ơi, ở trường con chẳng bạn nào có bố đang ở Hoàng Sa. Thầy cô và các bạn thường hay hỏi thăm về bố Minh mẹ ạ".
Chị Tho kể, tàu anh Minh nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa đầu tháng năm nhưng anh kín tiếng, chắc không muốn để vợ lo, cho nên chẳng nói đi đâu. Anh chỉ gọi điện thoại về bảo là phải đi công tác dài ngày ở vùng không có sóng điện thoại. Anh dặn có việc gì cũng đừng sốt ruột, khi nào về đất liền anh sẽ gọi cho chị ngay. Sau này, khi truyền hình đưa tin, chị mới biết anh đang ở ngoài Hoàng Sa. Tiếp theo là những ngày đầy lo âu, nhất là khi có thông tin kiểm ngư viên của ta bị thương, chỉ đến khi có đồng chí Chính trị viên của đơn vị gọi về thông báo tình hình anh Minh vẫn khỏe, rồi sau đó mấy hôm, tàu anh về Đà Nẵng sửa chữa, anh gọi lại, chị mới thật sự yên tâm. Thấy bố lâu không gọi điện thoại về như trước, ba con của chị hỏi nhiều, đã có lúc chị phải vờ là bố gọi điện thoại, song bận lắm không thể nói lâu được để các con không nhắc.
Nói về chồng, người phụ nữ 38 tuổi ấy lại rơm rớm nước mắt. Anh chị lấy nhau đã 15 năm và sinh bé Minh Thảo là con gái đầu cùng hai bé trai sinh đôi được sáu tuổi. Anh công tác xa nhà, lại thường xuyên phải đi biển cho nên số ngày nghỉ phép tính ra mỗi năm chưa đến một tháng. Chị Tho làm kế toán trường mầm non ở ngay địa phương nên cũng tiện chăm sóc cho ba con. Các con chị đều ngoan ngoãn và học giỏi. Cháu Minh Thảo năm vừa rồi đoạt cả giải nhì vẽ tranh của huyện. Cháu khoe đã vẽ khá nhiều về bố và các chiến sĩ kiểm ngư, hải quân, về biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua câu chuyện bố kể mỗi lần về phép. Những dịp như vậy, buổi tối ba chị em thường nằm chung quanh nghe bố kể về những chuyến ra khơi và bao điều thú vị của biển cả.
Nói chuyện với chị Tho, chúng tôi có thể hình dung ra nỗi vất vả của người mẹ quán xuyến việc nhà hai bên nội, ngoại cùng ba đứa con nhỏ, nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy ở chị niềm lạc quan và nỗi lo dành cho chồng và đồng đội ngoài khơi xa. Chị cứ nhắc đi, nhắc lại: "Các anh đừng nói gì về chúng em, chẳng thấm tháp vào đâu so với các anh ấy ngoài biển. Nếu có viết lên báo thì cho chúng em gửi lời nhắn, hậu phương luôn hướng về các anh với tất cả tình cảm đằm thắm nhất. Mong các anh vững lòng bảo vệ chủ quyền và vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc".
Trong những gia đình cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư chúng tôi đã gặp, có hoàn cảnh khó khăn nhất là gia đình thủy thủ trưởng Ngô Vĩnh Hòa của tàu CSB 8001 và chị Lã Hải Vân ở phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Anh chị yêu nhau gần mười năm, kết hôn năm 2001. Nhưng thật không may, ngày đón cậu con trai đầu chào đời cũng là ngày anh chị biết cháu bé không may bị bệnh bại não. Đằng đẵng mười năm, anh chị chăm sóc và tìm cách chữa bệnh cho con. Do yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, anh Hòa chuyển công tác vào miền trung, xa nhà hơn. Ở nhà chỉ còn chị Vân một mình chăm lo cho con lớn mang bệnh và con thứ hai vừa tròn hai tuổi. Làm công việc của một giáo viên mầm non, hằng ngày, trước khi đến trường, chị phải dậy từ mờ sáng chuẩn bị đồ ăn cho hai con thơ. Đứa lớn thì chưa có khôn, đứa bé còn nhỏ dại quá. Mẹ chồng vẫn phải sang trông nom bọn trẻ giúp chị đi làm. Chị thổ lộ: "Cuộc sống gia đình thiếu người chồng, người cha, lắm lúc cũng tủi thân khi con ốm đau. Trong nhà có lúc chập điện mà cũng chả biết nhờ ai sửa, lại bế con sang nhờ hàng xóm láng giềng trông giúp để tự tay sửa lại". Cũng giống như chị Tho - vợ kiểm ngư viên Hà Văn Minh, chị Vân bảo: "Nói thì vậy, nhưng các anh đừng viết nhiều về nỗi vất vả của chúng em". Chị nhờ báo chí nhắn: "Bố cháu cứ yên tâm công tác, mẹ con ở nhà đã có ông bà, chú bác giúp đỡ. Các ngành, đoàn thể cũng quan tâm động viên. Chỉ mong ngoài biển yên ổn, giàn khoan và tàu bè Trung Quốc rút đi, để các anh có thời gian về nghỉ phép thăm nhà cho con đỡ nhớ bố là vui rồi".
Chị Vân còn nhớ mãi thời khắc chồng gọi điện về hồi đầu tháng trước chỉ nói vội được vài câu: "Anh phải đi công tác đột xuất, em xem thời sự trên truyền hình sẽ biết". Chiều đến, ba mẹ con ngồi trước màn hình vô tuyến mới vỡ lẽ và lo lắng vô cùng. Chị bảo: "Anh ấy là người chu đáo, hay nhắc nhở hỏi thăm bố mẹ, con cái nhưng lần đó chỉ nói được vài câu rồi dập máy ngay, tức là phải vội lắm. Đến lúc biết sự việc, mình chỉ biết ngồi ôm con vào lòng và lo cho chồng". Chị hiểu khó khăn là vô vàn nhưng biết cách tự vượt qua thì mọi thứ sẽ không còn đáng bận tâm. "Từng có lúc chỉ muốn anh ấy trở về, khóc một lúc rồi thôi. Nhưng sau tự nhủ, những giọt nước mắt cũng chẳng giúp được gì. Thay vào đó, phải mạnh mẽ hơn để nuôi các con khôn lớn, để anh ấy yên tâm ở xa hoàn thành công việc được đất nước giao phó". Ít ai biết, chỉ cách đây vài ngày, chị vừa sốt vi-rút nằm bệt suốt cả tuần và chỉ có một mình tự chữa trị... Chị bảo: "Em cũng không muốn để người thân bận tâm, may mà còn chịu được, chứ chưa đến mức phải nằm liệt một chỗ anh ạ".
Người vợ trẻ Đàm Thị Hường của anh Trần Văn Hiếu làm nhiệm vụ trên tàu CSB 4032 mà chúng tôi tiếp xúc cũng để lại nhiều khâm phục về sự chịu đựng hy sinh. Yêu nhau trong suốt bốn năm đại học, đến khi tổ chức lễ cưới xong, có được 15 ngày bên vợ thì anh đã phải lên đường làm nhiệm vụ và cứ biền biệt như thế cho đến tận những ngày Hoàng Sa biến động. Trước đó, anh cũng chỉ biết tin chị báo đã mang thai đứa con đầu lòng qua điện thoại khi đang theo tàu công tác nơi đảo xa. Cuộc sống vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình thật sự khó khăn. Bố chồng bị bệnh nặng, gần như không lao động được. Tất cả kinh tế gia đình giờ đây phụ thuộc vào công việc làm nông của mẹ chồng và nàng dâu đang mang bầu tháng thứ bảy. Vừa rồi mẹ và em gái anh Hiếu bị tai nạn, tất cả mọi việc đều trông chờ vào chị Hường. Vậy mà khi chúng tôi hỏi chuyện, chị Hường vẫn rất tự tin: "Dù có ra sao thì mọi thành viên trong gia đình cũng sẽ cùng nhau chung tay để anh Hiếu yên tâm công tác. Mỗi người làm một chút, mọi việc rồi cũng sẽ suôn sẻ vì ngoài kia, anh ấy còn gặp nguy hiểm gấp vạn lần".
Ngày anh Hiếu gia nhập lực lượng Cảnh sát biển, chị Hường biết rõ chồng sẽ phải luôn đi xa và công việc đối mặt với sóng gió nguy hiểm. Khi anh Hiếu cùng các chiến sĩ cảnh sát biển lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, anh gọi về thông báo đơn giản để gia đình đỡ lo lắng. Chị kể: "Mới đầu anh ấy chỉ nói đi công tác, em ở nhà cứ yên tâm chăm sóc bố mẹ và em gái. Nhưng sau đọc trên báo đài, gia đình mới biết. Nhiều đêm em không ngủ được vì lo cho anh ấy". Mãi về sau, khi con tàu 4032 về bến sửa chữa, anh Hiếu gọi điện về nhà báo tin, lúc đó cả gia đình mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy lo lắng như vậy, song người vợ trẻ vẫn chưa một lần hối hận khi đã quyết định kết hôn cùng anh cảnh sát biển. "Công việc của anh ấy là niềm vinh dự và tự hào cho gia đình"- chị nói. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ ở xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những người thân trong gia đình anh Hiếu vẫn chờ đợi ngày về thăm nhà của đứa con trai, người chiến sĩ cảnh sát biển. Để rồi, người vợ có thể cùng chồng, cùng bố mẹ và em gái quây quần bên mâm cơm gia đình ấm áp, bình dị. Giấc mơ đó thật sự nhỏ bé nhưng là tất cả đối với chị Hường bây giờ.
Không chỉ có chị Tho, chị Hường hay chị Vân, nhiều người vợ của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa cũng có hoàn cảnh tương tự, nhưng một điểm chung ở họ là bản lĩnh vươn lên, đức tính chịu thương, chịu khó, hy sinh vì chồng con và niềm lạc quan, yêu đời. Chị Lương Thị Bích, vợ Trung úy Võ Văn Thành của tàu CSB 8003, đang mang thai tháng thứ năm, vừa đi làm công nhân da giày, vừa phải nuôi con trai nhỏ bốn tuổi trong căn nhà thuê chật chội ở quận Hải An, TP Hải Phòng. Chị cho biết: "Có khó khăn, vất vả thật, song chúng tôi vẫn còn có điều kiện thuận lợi và hạnh phúc hơn những người mẹ, người vợ thời chiến tranh trước đây nhiều. Vả lại bên cạnh chúng tôi luôn có sự động viên của đơn vị anh ấy, của bà con hàng xóm và các tổ chức, đoàn thể". Chị Đặng Thị Thương, vợ chiến sĩ cảnh sát biển Vũ Văn Kiên của tàu 8003, cũng mang nhiều nỗi lo khi cả chồng và anh chồng đều có mặt ở Hoàng Sa. Chị lại đang mang thai và nuôi con nhỏ và cùng mẹ chồng chăm bố chồng bị suy tim. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị cho biết: "Làm vợ cảnh sát biển em hiểu rõ trách nhiệm nặng nề của các anh ấy. Đất nước tin tưởng giao nhiệm vụ thì bằng mọi giá phải hoàn thành. Đó cũng là niềm tự hào em vẫn thường nói với con gái". Kiên nghị như vậy, nhưng nhiều tối, con gái nằm mơ gọi "Ba ơi! Về với con", chị lại nằm khóc thầm cả đêm vì thương con và nhớ chồng.
Còn chị Nguyễn Thu Phương, vợ thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng thì tâm niệm đã là vợ của lính cảnh sát biển, kiểm ngư viên, cũng phải biết hy sinh chịu đựng. Khi cùng đồng đội trên con tàu chủ lực của lực lượng Cảnh sát biển ra khơi thẳng hướng Hoàng Sa, anh Hưng cũng chỉ kịp gọi điện thoại cho vợ dặn dò chăm sóc bố đang bị ung thư giai đoạn cuối và nhờ bạn bè gửi về gia đình hai tháng lương tạm ứng của mình. Là một người công tác trong ngành luật, chị hiểu rõ nhiệm vụ của các anh trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và giữ vững chủ quyền Tổ quốc ở Hoàng Sa. Nghe anh gọi về, chị chỉ nhỏ nhẹ nhắc anh giữ sức khỏe và nói một cách giản dị: "Anh yên tâm làm nhiệm vụ. Mọi việc ở nhà đã có em lo".
Những người vợ của các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên luôn luôn hiểu và thông cảm với nhiệm vụ của chồng, biết chấp nhận, sẵn sàng nhận về mình những thiệt thòi, hy sinh. Trong các câu chuyện với họ, chúng tôi chẳng bao giờ nghe thấy một lời ta thán mà thường là lời nhắn nhủ những người đàn ông của họ hãy yên tâm, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, hãy tin rằng ở đằng sau họ là tổ ấm gia đình, là hậu phương vững chắc đang từng ngày, từng giờ dõi theo.
NGUYỄN TIẾN CƯỜNG và PHONG CHƯƠNG
Theo Báo Nhân dân điện tử