Mận chăm sóc mẹ chồng trên giường bệnh.
Cưới nhau chưa được bốn ngày, người vợ trẻ đã tiễn biệt chồng ra biển Đông làm nhiệm vụ, bỏ lại giấc mơ làm cô giáo mầm non để chăm sóc bố mẹ chồng lâm bệnh nặng. Đó là cô gái Nguyễn Thị Mận, 25 tuổi, vợ của trung úy Phạm Khả Đăng, thuyền phó tàu 4033, Hải đội 201, vùng Cảnh sát biển 2, Quảng Nam.
Chuyện tình cảnh sát biển
Con đường làng dẫn chúng tôi về nhà trung úy, cảnh sát biển Phạm Khả Đăng ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), mùa này cát phủ trắng những bờ lau. Gió Lào thổi từng trận, cát nóng, cỏ cây cũng xơ xác lá.
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà nhỏ đã rất đông người. Bên chiếc giường võng màn còn chưa xếp, chị Mận tỉ mẫn lấy khăn thấm từng vết thương trên cơ thể mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Tịnh, 51 tuổi. Đôi mắt sưng vù vì căn bệnh ung thư da biểu bì mô giai đoạn cuối, bà đau lắm, hai bàn tay cứ bíu chặt tay con dâu như thể không muốn rời xa.
Sinh năm 1989 nhưng trông Mận già dặn hơn tuổi của mình. Là người cùng làng với Đăng, Mận đã quen cái nắng, gió, quen cả tính cách con người cần cù, chịu khó của chồng. Vậy mà, kể về ngày đầu tiên gặp nhau, Mận cứ bẽn lẽn. Ngày đó, Đăng là bí thư đoàn cơ sở Học viện Hải quân ở Nha Trang, còn Mận là bí thư của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2. Năm 2010, trong một lần họp đồng hương, thấy chàng trai nói tiếng quê mình lại hát hay, chơi đàn ghita giỏi, Mận lại làm quen. Bất ngờ hơn khi biết nhà Đăng và Mận chỉ cách nhau có một rặng phi lau. Cuộc gặp gỡ hôm đó là ngày định mệnh để hai người bén duyên.
Mận chia sẻ: “Người ta yêu nhau thì gặp thường xuyên, còn với hai người, kỷ niệm thời sinh viên là những ngày chủ nhật hai đứa đạp xe dạo chơi dưới phố biển Nha Trang thơ mộng. Chưa một lần nói lời yêu nhưng qua ánh mắt cử chỉ dường như đã rất hiểu nhau rồi”. Mận đang học năm thứ 3 thì Đăng ra trường, đi thực tập ở Vũng Tàu. Thời gian đó, Mận thực sự đã cảm nhận rõ tình yêu với người lính hải quân. Những dòng nhật ký viết cho nhau cứ kéo dài trong nỗi nhớ.
Mận cho biết: Mận và Đăng vẫn ước mơ khi Mận ra trường hai đứa sẽ lập nghiệp tại Đà Nẵng. Như dự tính, Mận được nhận vào dạy một trường mầm non ở Đà Nẵng. Tình yêu đơm hoa kết trái Đăng và Mận tiến tới hôn nhân. Đám cưới nhỏ được tổ chức vào tháng 12-2013. Vì công việc, cưới xong chưa được bốn ngày, Đăng đã lên đường ra biển Đông làm nhiệm vụ.
Điểm tựa cho chồng
Vợ chồng Đăng, Mận trong ngày cưới (ảnh chụp lại).
Niềm vui chưa tày gang, gia đình Đăng liên tiếp nhận hai tin giữ, bố Đăng là ông Phạm Khả Thảo, 58 tuổi bị tai biến mạch máu não. Bệnh viện trả về. Tưởng cái chết đã kề cận, may mắn bố hồi phục lại nhưng hai chân và tay trái bị tê liệt hoàn toàn. Tiếp sau đó mẹ Đăng lại bị ung thư da biểu bì.
Bước vào ngôi nhà trống trải, dường như ai cũng hiểu, bao nhiêu của nả, tâm huyết bố mẹ Đăng đều dành hết cho con. Sau Đăng là cậu em Phạm Khả Khoa đang là học viên lái tàu ngầm năm thứ 4 ở Nga. Cậu út Phạm Khả Kính là học viên năm thứ 2, khoa Xăng dầu ở Học viện Hậu cần. Cô con gái Phạm Thị Thành vừa tốt nghiệp Đại học Hà Tĩnh đang chờ xin việc.
Đăng là con cả nên trách nhiệm trên hết. Bàn tính rồi, hai vợ chồng quyết định phải có một người hy sinh trở về chăm nom bố mẹ. Mận chia sẻ: “Chưa lúc nào em thấy mình có trách nhiệm lớn như lúc này. Em cũng vừa mang bầu được hai tháng, vừa chăm bố mẹ đau ốm. Dù vất vả nhưng em vẫn luôn thấy mình còn rất may mắn và tự hào vì giúp chồng hoàn thành nhiệm vụ ở biển Đông”. Mấy tháng trước khi mẹ chồng nằm điều trị ở Viện Da liễu Trung ương, mình Mận chăm lo bà hơn nửa tháng trời. Khi trở về, mỗi ngày hai chị em Mận trông mẹ đến một giờ sáng, rồi thay ca. Sáng Mận dậy từ sớm phụ giúp mẹ vệ sinh cá nhân rồi đi chợ mua đồ ăn về nấu bữa trưa cho cả nhà. Gần đây, vết loét trên cơ thể mẹ ăn rộng ra cả cổ, mặt, Mận phải luôn tay thấm rửa, sát trùng, băng bó vết thương cho mẹ. Bệnh bố Đăng lại tái phát đang nằm điều trị ở Viện Điều dưỡng Hà Tĩnh, phải nhờ người chăm nom.
Biết chồng đang thực thi nhiệm vụ ở biển Đông, gần một tháng nay, Mận không hề nhận được điện thoại của chồng. Mỗi ngày Mận đều mở tivi xem tình hình biển Đông. Mận bảo, không mấy khi anh kể chuyện ở Hoàng Sa vì sợ cả nhà lo, nhưng ai cũng hiểu công việc anh đang làm. Mận chia sẻ lần gần nhất, anh gọi điện về nói rằng: “Tàu anh ở ngoài biển không liên lạc được. Mẹ có ra đi thì anh nhận là người con bất hiếu, không thể về được. Tất cả trông cậy vào em”.
Thương chồng, Mận lại kìm lòng, hướng ánh mắt về phía mẹ…
Bài và ảnh: HIẾU KIÊN
Báo Nhân dân điện tử