Cập nhật: 03/03/2017 11:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhận thức trước các giá trị văn hoá làng quê đang ngày dần mai một; từ những năm 90 của thế kỷ XX, anh nông dân Nguyễn Văn Trường ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ấp ủ, cóp nhặt, sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ trong xóm ngoài làng với một ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.

(Anh Nguyễn Văn Trường và ngôi nhà cổ vật)

Với bản chất của người nông dân, nhưng lại mang nặng niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu đồ cổ; chính vì vậy cứ hễ có thời gian rảnh dỗi ngoài giờ đi cày, đi cấy, anh lại say mê tìm hiểu, hay đạp xe đi sưu tầm; dù là mảnh gốm sứ vỡ hay sứt mẻ anh đều gom góp đem về nâng niu, gìn giữ, bởi với anh “các hiện vật cổ đều có hồn và đượm chứa nét văn hoá, lịch sử,  ngôn ngữ, hơi thở của một xã hội” chính vì vậy các hiện vật đối với anh đều có giá trị nghiên cứu.

 Qua không gian trưng bày của anh mới cảm nhận hết được mục đích “gìn giữ văn hoá” thật lớn lao, thi vị, cùng ý nghĩa. Để thoả lòng đam mê thưởng ngoạn và tiện bề cho bà con dân làng đến tìm hiểu văn hoá, lịch sử hay tìm lại hình ảnh đồ vật xưa trong gia đình; anh trưng bày tất cả cổ vật mà anh sưu tầm được lên cổng, tường rào, vách nhà, hòn non bộ,..v.v...Cả không gian choán ngợp bởi trên 4.000 nghìn cổ vật, từ rìu đồng Đông Sơn, mảnh gốm Gò Mun, Phùng Nguyên, vò, hũ thời Hán (tk I-II) đến bát, đĩa, ấm,...thời Lý, Trần, Lê (từ tk X-XVIII), độc bình, chum, vại,...thời Nguyễn (tk XIX-XX), và cả cối giã gạo của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có lẽ nổi bật hơn trong không gian trưng bày của anh là bộ sưu tập đa dạng đĩa gốm, sứ ước khoảng 3.800 chiếc phần lớn có niên đại thời Lê Mạc (tk XVII-XVIII), Nguyễn (tk XIX), và đời Thanh (Trung Quốc). Bộ sưu tập đĩa nổi bật ở các mảng trang trí mỹ thuật; về chủ đề thiên nhiên khá phong phú với đề tài: Hoa điểu (chim hoa), Thạch trúc (tre trúc và đá), Tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), Tùng hạc (chim hạc và cây tùng), Lý ngư (cá chép), Phượng vũ (chim phượng)..v.v..Bên cạnh đó còn có mảng đề tài vẽ người trong tích truyện như Thất hiền trúc lâm, Lã Vọng, Trà tổ, Phúc lộc thọ..v.v...

 Nhưng điều ngạc nhiên hơn khi tiếp xúc với anh nông dân Nguyễn Văn Trường lại nằm ở sự am tường về đồ cổ, từ chất liệu, kỹ thuật chế tác, nung lửa, và nghệ thuật trang trí gốm, sứ,...rồi công dụng của từng đồ vật, niên đại lịch sử, xuất xứ từ lò gốm sứ trong nước hay nước ngoài, anh đều tường tận, giảng giải cho khách tham quan hay bà con dân làng mỗi lần đến xem hoặc tìm hiểu. Khi chia sẻ và đặt câu hỏi, người chơi cổ vật ắt hẳn phải có kinh tế. Anh chỉ cười và giải thích “Người chơi cổ vật cũng có năm bảy đường, nhưng theo anh hiện nay có ba loại: loại thứ nhất là chơi gia truyền nghĩa là hiểu biết, có kinh tế nên họ chơi theo sưu tập, đồ vật đẹp, lành lặn. Loại thứ hai có hiểu biết, ý thức lưu giữ nhưng không có kinh tế (tôi thuộc loại này), nên thường chỉ sưu tầm được đồ vỡ, sứt mẻ, hoặc cả mảnh vụn,.. Loại thứ ba là vừa chơi, vừa buôn bán cả đồ thật và giả”. Anh tâm sự “trước đây nhìn những cổ vật có giá trị văn hoá trong làng theo chân người buôn ra đi, anh cảm thấy xót sa, nhưng lực bất tòng tâm”; chính vì điều này mà anh luôn cố gắng lao động để giành giụm những đồng tiền ít ỏi cho việc bổ sung vào bộ sưu tập “nhằm góp phần gìn giữ  văn hoá cho làng”. Hiện nay tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng anh luôn trăn trở làm giàu thêm bộ sưu tập của mình; và anh hy vọng các hiện vật của anh sẽ có ý nghĩa giúp thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử, văn hoá; nhất là văn hoá làng quê đang ngày dần mai một.

 Trước việc làm mang đầy ý nghĩa của anh, nhiều người dân trong xóm, ngoài làng biết chuyện còn mang đến biếu không những đồ vật gốm, sứ trong gia đình mà trước đó nhiều lái buôn đồ cổ đã ngã giá bằng con lợn hoặc vài tạ thóc; nhằm góp vốn làm giàu thêm “bộ sưu tập” của  anh nông dân mê đồ cổ.

 Dù theo anh các đồ cổ trong bộ sưu tập anh sở hữu có giá trị kinh tế không cao, nhưng hẳn giá trị lịch sử, văn hoá của nó khó bề mà đo được. Việc làm của anh nông dân Nguyễn Văn Trường mang đầy ý nghĩa văn hoá; khi mà cuộc sống đô thị đang từng ngày len lỏi, tác động tới cuộc sống, sinh hoạt ở các làng quê, thì vấn đề bảo tồn văn hoá thật đáng quan tâm gìn giữ.

 Hy vọng trong tương lai gần, không gian trưng bày cổ vật của anh sẽ là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn; đồng thời là địa chỉ góp phần nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá lịch sử của dân tộc nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng./.

ST

Tệp đính kèm