Cùng với 5 đặc sản nổi tiếng của Quảng Nam gồm mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống, cao lầu, phở sắn, mực cơm biển ngang; gà tre đèo Le được lọt top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.
Những năm 90 của thế kỷ trước, ngay đỉnh đèo Le, cạnh suối Nước Mát (Quế Long, Quế Sơn) hoang vắng, chỉ có quán duy nhất chuyên bán đặc sản gà tre của một phụ nữ tên Châu. Những người hay qua lại cung đường này hoặc du khách khi đến thưởng ngoạn suối Nước Mát hoang sơ thường dừng chân ở quán ấy để nghỉ ngơi và thưởng thức gà tre. Quán chỉ có duy nhất món gà tre luộc. Có vẻ đơn điệu nhưng vẫn hấp dẫn, khiến nhiều người mê, vì thịt gà tre vốn đã ngon, lại được luộc bằng nước suối tinh khiết nơi đầu nguồn nên có vị rất riêng. Sau, từ đỉnh đèo, đến lưng chừng đèo, rồi đổ xuống chân đèo có thêm nhiều quán “gà tre đèo Le” nữa. Gà tre được chế biến thành nhiều món phong phú, đa dạng hơn: luộc, hấp hành, nấu lá giang, hầm muối, kho sả, bóp chanh..., nhưng thơm ngon, quyến rũ và cũng khiến thực khách tốn thời gian chờ đợi nhất có lẽ là món gà nướng.
Gà tre nướng
Gà tre đèo Le khi nướng có mùi vị đặc trưng là nhờ được bọc với lá sân - một loại lá chỉ có vùng này. Tất nhiên, với gà ấy, lá ấy, muốn có món gà nướng thơm ngon đúng điệu đèo Le thì còn phải có cả bề dày kinh nghiệm cùng bí quyết riêng khó mô tả đúng điệu. Nhiều người khi đi ngang qua đèo Le vẫn hay mua gà tre về làm quà cho gia đình. Dù được chủ quán hướng dẫn cặn kẽ cách chế biến, rồi gửi kèm lá sân, nhưng làm kiểu gì cũng không ngon bằng như khi thưởng thức ở ngay đèo Le.
Và khi gà đèo Le được đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thì món đặc sản này càng lúc càng “bay” đến nhiều nơi. Đến các địa phương “ngoài đèo Le” ở Quảng Nam, thậm chí cả ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh cũng không quá khó để đãi bạn bè, người thân món gà tre đèo Le, dù cái gọi là “gà tre” ấy nghe đâu có lúc, có nơi chỉ còn là “huyền thoại” và các món ăn chế biến từ nó cũng thơm ngon như... “huyền thoại”(!). Bởi lẽ, gà tre, theo các vị cao niên ở Quế Sơn, mấy chục năm trước, là loại gà nuôi trong ống tre, hoàn toàn ăn thức ăn tự nhiên, nuôi nửa năm cũng chưa được 1 ký lô kể cả lông. Còn bây giờ không ai nuôi theo kiểu đó nữa…
Trở lại với món gà tre nướng. Dường như mỗi chủ quán đều có một bí quyết nướng gà, mà quan trọng là khâu ướp, rồi cách nướng sao cho dậy vị thơm ngon để níu chân thực khách. Và nữa, khi ăn, cũng phải bày biện gà tre đèo Le theo kiểu dân dã, đúng chất quê, thì mới hợp nhãn và ngon miệng. Vì thế, không có gì lạ khi nhiều hàng quán bây giờ thường bày gà tre ra chiếc mẹt tre lót lá chuối, cạnh đó là đĩa muối ớt xanh giã dập, nhúm rau răm, hành tây...
Chưa cần thử, chỉ cần nghe các loại gia vị hòa quyện với gà, đã cảm thấy khó cưỡng. Không đủ kiên nhẫn chần chừ, nhanh tay nhón một miếng gà tre, nhấp ngụm bia hoặc rượu, cho đỡ cơn thèm. Trong tiết xuân se lạnh, bạn bè quây quần, đưa cay bằng ly rượu quê, cảm nhận vị thơm của lá chanh, vị ngọt dai của gà, thì có lẽ không còn gì để nói…
Sưu tầm