Mỗi địa phương cần tận dụng thế mạnh riêng để thu hút đầu tư, tạo nên sức mạnh của vùng kinh tế làm tăng lợi ích tổng thể của quốc gia.
Những năm gần đây, với nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nhiều địa phương vốn khó khăn nay bắt đầu thu hút các dự án lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, thu hút đầu tư tại địa phương cần gắn với mạng lưới liên kết vùng chặt chẽ để tránh dàn trải, lãng phí. Đồng thời cần có quy hoạch cụ thể, phát huy được lợi thế tiềm năng và tránh sự mâu thuẫn trong phát triển lâu dài.
Dây chuyền nhà máy may Tuyên Quang, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương.
Tại Tuyên Quang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam lựa chọn xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, cách Hà Nội 100km để đầu tư xây dựng nhà máy may sản xuất các sản phẩm cao cấp. Sau 5 tháng đi vào hoạt động, sản phẩm của nhà máy được được xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Nhật Bản và Anh.
Ông Lê Tiến Trường Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn tại Tuyên Quang. Sở dĩ tập đoàn lựa chọn Tuyên Quang vì ngày nay việc kết nối giao thông giữa Hà Nội, Hải Phòng với các huyện ở phía Nam của tỉnh tương đối thuận lợi thông qua Quốc lộ 2C, đường Cao tốc Hà Nội-Lào Cai đồng thời tỉnh có lực lượng lao động tương đối dồi dào.
“Chúng tôi xác định việc dịch chuyển lên Tuyên Quang là một bước đi mới để tìm ra một hướng đi dài hạn hơn, bền vững hơn cho dệt may Việt Nam trong tương lai”, ông Trường cho biết.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 180 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD. Đầu năm nay, địa phương này thu hút thêm 6 dự án mới với tổng mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng vào các lĩnh vực bất động sản, chế biến gỗ, thủy điện, sản xuất giống gia súc, gia cầm…
Ông Trần Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang cho biết, với những lợi thế riêng về sản xuất và chế biến nông lâm sản; công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ du lịch… tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính để rút ngắn thời gian nhà đầu tư đến khảo sát và lập dự án đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, lao động; đào tạo nhân lực chất lượng cao…
“Chúng tôi luôn có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, ví dụ vùng sản xuất hàng hóa là cây mía, chè, cam, đậu để tạo ra vùng hàng hóa lớn, đặc biệt vùng trồng gỗ rừng đặc biệt thu hút các nhà đầu tư vào chế biến. Nhà đầu tư đến với Tuyên Quang cũng được hỗ trợ về các dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ về hành chính để làm sao đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục hành chính giảm đi khoảng 30% so với quy định”, ông Lương nói.
Hiện nay, nhiều địa phương khác trong khu vực Tây Bắc cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhằm thu hút các dự án không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các địa phương vùng Tây Bắc cần tuân thủ theo đúng quy hoạch về phát triển kinh tế vùng. Tránh tình trạng thi nhau “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư qua nhiều hình thức như giảm thuế, giảm giá thuê đất, thậm chí giảm cả giảm điều kiện môi trường. Điều đó không chỉ làm cho lợi ích tổng thể của quốc gia bị ảnh hưởng mà còn khiến cho sức mạnh của vùng kinh tế này bị giảm sút.
Sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, các địa phương cũng cần chú ý vấn đề chuyển giao công nghệ trong quá trình thu hút đầu tư, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
“Cần phải tuân thủ đúng chủ trương chính sách về thu hút đầu tư, không nên có những ưu đãi quá mức. Việc chuyển giao công nghệ cần phải làm nghiêm thúc, trong đó cần tránh tình trạng địa phương này cạnh tranh địa phương khác đưa ra nhiều nhượng bộ để phá vỡ kế hoạch đầu tư. Vùng nào có thế mạnh gì thì phát triển thế mạnh đó tránh cạnh tranh thiếu hiệu quả”, ông Toàn lưu ý.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngày càng nhiều các dự án hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng tại những tỉnh khu vực Tây Bắc, cho thấy những nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Điều quan trọng là phát triển phải đảm bảo bền vững và bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, các địa phương không thể dễ dãi trong thu hút đầu tư. Ngoài ra cần đảm bảo phát triển địa phương gắn liền với quy hoạch vùng để có thể phát huy được sức mạnh tổng thể./.
Theo Việt Hà – Chung Thủy/VOV.VN