Người Tày chiếm số lượng khá lớn, phân bố rộng trên cả nước trong đó có Sơn La. Họ sống ở hầu hết tại các vùng núi cao, có truyền thống văn hóa lâu đời, có chữ viết riêng và có điều kiện kinh tế khá hơn các dân tộc khác. Những nét đặc sắc về văn hóa của người Tày không những được thể hiện trong các hội làng, những điệu ca hát đối đáp, hát ví, hát then mà còn trong cả những nét văn hóa ẩm thực. Và xôi ngũ sắc là một trong những món ẩm thực đặc trưng.
Xôi ngũ sắc
Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, vì xôi có 5 màu nên được gọi là xôi ngũ sắc. Năm màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc được người dân trồng trong vườn nhà.
Đối với xôi màu đỏ, màu tím, bà con lấy lá cây "Bẩu khẩu đăm đeng" (lá cây đỏ đen) đem giã nhỏ, hòa với nước đun sôi rồi lấy nước để ngâm gạo. Sau 5 - 6 tiếng, vớt gạo ra cho vào chõ đồ chín, cơm xôi sẽ có màu đỏ hoặc tím rất đẹp.
Xôi có màu vàng chính là nhờ nghệ. Người Tày lấy 2 - 3 củ nghệ tươi mài trên cành cọ cho nhỏ mịn rồi trộn đều với gạo đã ngâm kỹ, đồ chín. Màu xanh của xôi là dùng lá gừng. Các bà, các chị chỉ cần lấy một nắm lá gừng tươi, giã nhỏ vắt lấy nước cốt. Khi đồ gần chín xôi, họ cho nước cốt lá gừng vào trộn đều, đậy vung kín đồ tiếp và chừng nửa tiếng sau, xôi chín có màu xanh lá cây, thơm dậy mùi gừng, mùi nếp.
Người xưa quan niệm, xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thủy, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Người ta quan niệm rằng sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân.
Với người Tày, những ai ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ, tết thì họ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tốt lành.
Sưu tầm