Cập nhật: 06/03/2017 20:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người Khùa gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người Khùa (thuộc dân tộc Bru- Vân Kiều) ở Quảng Bình ngày càng được nâng cao. Từ đó, họ tiếp thu, học hỏi thêm văn hóa của người Kinh rồi bắt đầu ăn Tết cổ truyền. Đã hết tháng Giêng, song nói đến văn hóa của người Khùa, không thể không nhắc tới nét độc đáo trong dịp Tết.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, tộc người Khùa hiện có hơn 770 hộ, chủ yếu sinh sống tại 23 bản của hai xã biên giới là Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ngoài ra, còn một số hộ sống xen cư với các dân tộc khác tại các xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa và Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Cùng với các phong tục, bản sắc riêng của cộng đồng, từ những năm 90 của thế kỷ trước, người Khùa ở Quảng Bình tiếp thu văn hóa của người Kinh rồi tổ chức đón Tết cổ truyền trong sự háo hức và chờ đón một năm mưa thuận gió hòa, ngô lúa trên nương rẫy tốt tươi.

Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ người Khùa sinh sống ở 15 bản. Hiện nay, được Nhà nước hỗ trợ làm nhà và lương thực theo các chương trình an sinh nên đời sống của bà con ngày càng ổn định. Tết Nguyên đán 2017, hầu như nhà nào cũng làm thịt lợn, có gạo và quà Tết. Nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Trước đây bà con chưa biết gói bánh chưng nhưng năm năm gần đây, người Khùa học theo người Kinh gói bánh chưng ăn Tết, là món ăn mà mọi người rất thích. Lúa rẫy năm qua được mùa cho nên nhà nào cũng gói nhiều bánh chưng, bánh đòn.

Già làng Hồ Nhâm, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa kể rằng, những ngày giáp Tết, đàn ông người Khùa cũng vào rừng lấy lá dong, tre nứa để làm lạt, đàn bà chuẩn bị gạo nếp để gói bánh chưng, bánh đòn. Nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc rất trang trọng. Ngày Tết, người Khùa không cúng, không thờ các vị thần linh như một số dân tộc thiểu số khác mà chỉ cúng ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất. Cứ vào sáng mồng một Tết, nhà trưởng tộc Hồ Nhâm và các nhà trưởng tộc người Khùa, con cháu đến đông đúc để soạn sửa cúng tổ tiên và người đã khuất. Trước khi dâng lễ lên bàn thờ, Hồ Nhâm đưa ra một chậu nước sạch rồi thắp đèn lên mời tổ tiên về rửa tay, rửa mặt. Sau đó, ông đặt mâm cúng lên bàn thờ. Trên mâm có một thủ lợn và các bộ phận của con lợn, một típ cơm nếp. Lấy mâm cúng xuống, trưởng tộc Hồ Nhâm lại đặt lên bàn thờ một ấm nước đã đun sôi rồi mời tổ tiên uống. Tiếp đó, ông đặt lên bàn thờ bình rượu cần có năm ống hút. Ông nói: “Người Khùa lúc sống ăn gì, làm gì thì chết đi cũng phải làm như thế. Cúng ông bà tổ tiên không cần những thứ cao sang, miễn sao sạch sẽ và quan trọng là thể hiện được tấm lòng thành kính với những người đã khuất”.

Tết người Khùa thường kéo dài từ ba đến bốn ngày. Không đi đơn lẻ mà họ tụ tập cùng nhau đi ăn Tết, mỗi ngày ăn khoảng từ sáu đến bảy nhà. Gia đình nào có người cao tuổi nhất thì con cháu đến trước. Vui Tết, khi uống rượu cần, bà con không ai ép ai, tùy sức khỏe của từng người...

  

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm