Một nghiên cứu mới cho thấy, trẻ được sinh bởi những bà mẹ bổ sung nhiều acid folic trong thời kỳ mang thai ít khả năng bị tăng huyết áp.
Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa bổ sung hàm lượng cao acid folic trong thời kỳ mang thai giúp giảm huyết áp ở con. Tăng huyết áp trong thời thơ ấu liên quan đến tăng huyết áp khi trưởng thành. Tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận và đột quỵ.
Phụ nữ có các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa trong thời kỳ mang thai như rối loạn tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì cũng tăng nguy cơ có con bị tăng huyết áp. Tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi, đã tăng lên từ những năm 1980.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích số liệu từ 1.290 cặp mẹ-con, trong đó 67,8% là người Mỹ gốc Phi và 19,2% là người gốc Tây Ban Nha, được theo dõi từ lúc sinh đến năm 9 tuổi tại trung tâm y tế Boston.
Trong số các bà mẹ tham gia nghiên cứu, khoảng 38,2% có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa, 14,6% bị tăng huyết áp, 11,1% mắc bệnh tiểu đường và 25,1% bị béo phì. Trong số trẻ sinh ra, 28,7% bị tăng huyết áp tâm thu lúc 3 đến 9 tuổi.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, phụ nữ có các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa dễ có con bị tăng huyết áp tâm thu hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, nếu trong thời kì mang thai những phụ nữ này bổ sung nhiều acid folic sẽ giảm 40% nguy cơ có con bị tăng huyết áp.
Tiến sĩ Xiaobin Wang, Trường Y tế công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm bằng chứng về nguồn gốc tăng huyết áp ở trẻ”. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Journal of Hypertension.
BS. Tuyết Mai
Theo suckhoedoisong.vn