Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp khiến công tác phòng chống loại tội phạm này dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn.
Năm 2016, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hàng không và đường biển vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu liên tục dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi cách thức hoạt động để thực hiện các hành vi phạm pháp.
Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam vẫn còn nổi lên các hoạt động buôn lậu than, xăng, dầu, thuốc lá điếu... Tại các cửa khẩu cảng hàng không, sân bay quốc tế nổi lên là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Tàu nước ngoài buôn lậu dầu trên vùng biển Việt Nam.
Trong nội địa, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra. Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và trong chăn nuôi… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Gia tăng hoạt động buôn lậu trên biển
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Từ đó đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng.
“Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm, trong đó đã khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan”, ông Thế nói.
Còn theo Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngoài những mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao các loại hàng tiêu dùng... trên các tuyến đường biển liên tục diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển than không có hóa đơn, chứng từ. Cùng với đó là hoạt động buôn lậu, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng, dầu diễn biến phức tạp trên các tuyến biển.
“Hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng người nước ngoài như Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ, Dominica, Malaysia, Trung Quốc trên các tuyến biên giới trong dịp Tết Đinh Dậu đã tăng cả về số vụ, số đối tượng cũng như tang vật. Do chênh lệch giá xăng dầu trong nước và khu vực, các đối tượng sử dụng thủ đoạn móc nối, trực tiếp liên lạc với đầu nậu ở trong nước để vận chuyển xăng dầu đến vùng lãnh hải nước ta và tìm cách vận chuyển trái phép vào Việt Nam", ông Toàn cho biết.
Ông Toàn nhận định, do lợi nhuận từ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa là rất cao nên các đối tượng thương liều lĩnh, dùng mọi thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển.
Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình biên giới nước ta trải dài, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch cùng với thời tiết khắc nghiệt, trong khi trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, công suất thấp, lạc hậu nên công tác chống buôn lậu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trên tuyến biển.
Xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho buôn lậu
Để tăng cường công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt là đối với các mặt hàng xăng, dầu trên biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, trong đó có chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Phối hợp với các ngành liên quan, thu thập thêm thông tin xác lập chuyên án, triệt phá đường dây buôn lậu trên biển.
“Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sử dụng nhiều biện phát đồng bộ như sử dụng các lực lượng “đánh chéo” địa bàn để đảm bảo yếu tố bí mật và nhiều biện pháp khác trong những đợt cao điểm. Ngoài ra, thời gian qua do chênh lệch giá xăng dầu, các tàu đánh cá xa bờ thường chỉ mua đủ lượng dầu để ra khơi, nhưng khi hoạt động dài ngày trên biển, bà con ngư dân vẫn mua dầu của đường dây buôn lậu trên biển. Do đó, rất cần thiết phải tính toán các phương án hậu cần nghề cá trên biển, đáp ứng nhu cầu của ngư dân”, ông Toàn đề xuất.
Nhận diện những nguyên nhân tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Đàm Thanh Thế cho rằng một phần do cơ chế chính sách thưa đồng bộ, các điều kiện chưa đáp ứng cũng như công tác phối hợp chưa được chặt chẽ. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vẫn xác định vấn đề quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
“Ban Chỉ đạo luôn xác định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân tập thể trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ban Chỉ đạo đã quán triệt tinh thần này tới các ban chỉ đạo địa phương. Thời gian qua đã có những vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm như vụ một số cán bộ hải quan An Giang tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu đã bị phát hiện, khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam, truy tố nhiều cán bộ hải quan truy cứu trách nhiệm hình sự. Các lực lượng khác khi phát hiện biểu hiện tiếp tay có thẩm tra xác minh, nếu không đủ căn cứ nhưng tiềm ẩn nguy cơ sẽ phải điều động luân chuyển”, ông Thế nói.
Cũng theo ông Thế, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo phải xây dựng quy chế trách nhiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp phải xem xét trách nhiệm.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo 389 quốc gia tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương.
Từ đó có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN