Cập nhật: 26/03/2017 17:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Com lam Hòa Bình

Khi về hoà bình, về với miền phong thuỷ hữu tình này thực khách có thể được biết tới một lối sống độc đáo của người Mường và cũng được hoà mình vào nền văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú của con người nơi đây. Những sản vật của núi rừng luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất, những món ăn rất dân dã thôn quê nhưng để lại những ấn tượng rất khó quên cho những ai đã từng thưởng thức như món gà đồi nướng, cá sông, măng chua, rượu cần… nhưng thế vẫn chưa đủ, khi về Hoà Bình thì phải được nếm hương vị của cơm lam thì mới có cảm nhận được hương vị của miền sơn cước này.

Không biết món cơm độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường phải đi rừng rất vất vả, nhọc nhằn có khi đi từ lúc sáng sớm tinh mơ cho tới lúc tối mịt hoặc thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Nên họ mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa, từ những thói quen từ ngàn xưa để lại, một thói quen rất bình dân, dễ làm thế mà không ngờ nay đã được tôn lên thành một món ăn đặc sản của núi rừng – món cơm lam. Món cơm lam có rất ở nhiều nơi từ người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, Hoà Bình là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm lại dẻo nổi tiếng

 

Khi đến khu du lịch Suối Khoáng Kim Bôi, vào một quán bán cơm lam mua vài ống Cơm, và trò chuyện cùng người chủ quán tôi biết được những nét thú vị trong cách nấu cơm lam ở đây. Chị Hằng vừa thoăn thoắt chẻ ống cơm vừa kể quy trình làm cơm: “Đầu tiên là phải chọn gạo, phải là gạo nếp nương mới có vị thơm ngon, sau đó ngâm gạo này trong vòng một đêm cho gao mềm thì cơm mới ngon được. Công đoạn tiếp theo là phải chọn ống, ống để làm cơm lam là ống nứa, được cắt khoảng 30cm. ống dùng nấu cơm lam phải còn tươi để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm một chút vị ngọt và mùi thơm thơm, bùi bùi đặc trưng, ống được rủa sạch và để khô ráo nước. Còn gạo thì trộn với cùi dừa đã được thái sợi, còn nước dùng để nướng thì trộn với nước cốt dừa. Khi chuẩn bị cho gạo vào ống thì phải kê ống lên một hòn đá suối rồi mới cho gạo vào, phải nén gạo thật chặt thì khi cơm chín mới còn nguyên hình hạt gạo, và không bị nát, sau đó cho thêm một chút nước pha nước cốt dừa vào. Sau đó phải nút ống cơm bằng nút được làm bằng cây mía hoặc lá chuối để cho có mùi thơm đặc trưng. Cuối cùng là công đoạn nướng ống cơm, trước tiên cho ống cơm vào lò nướng. Nướng khoảng 2 tiếng khi đã ngửi thấy mùi thơm thì tức là cơm đã chín. Sau đó chẻ lớp vỏ cháy bên ngoài. Điều thú vị, khi người thưởng thức cơm lam tách tửng miếng nhỏ vỏ sao cho vẫn giữ được lớp màng bọc bên ngoài cơm, làm được như vậy cơm mới thực sự ngon, thực sự giữ được nguyên mùi vị

Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, con người không làm cơm lam để “cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn “chơi” . Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giá trị truyền thống của món ăn độc đáo này, nó vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một nền văn hoá bản địa. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, thịt nước, măng chua…nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng . Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với Cơm Lam của các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt Lạc, hạt đậu trong đó nhưng đựoc thay bằng mùi thơm đặc trưng của dừa và nước cốt dừa, mùi của mía, của lá rừng Hoà Bình.

Đã bao đời nay, cơm lam hiện hữu trong đời sống người Mường và cũng chẳng ai biết rằng từ ngàn đời xưa ai là người đã nghĩ ra việc dùng ống nứa thay cho cái nồi,  cái niêu… chỉ là một món ăn của núi rừng, cũng chỉ là một thứ đặc sản khi về xuôi những người khách hay mua làm quà và cũng chỉ là một phần của văn hoá ẩm thực của người Mường mà sao khiến những con người đã từng đến Hoà Bình và trót yêu mảnh đất này khó quên đến thế.

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm