Cập nhật: 03/04/2017 16:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nói tới thị xã Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp trước đây) của tỉnh Hậu Giang là người ta nghĩ ngay đến chợ nổi Ngã Bảy. Dù được hình thành từ năm 1915, nhưng mãi đến năm 1961, cái chợ mang đậm bản sắc văn hóa giao thương độc đáo miền sông nước này mới trở nên nổi tiếng, là nhờ bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu.

Nhắc tới bản tình ca lãng mạn này, không ai không nhớ đến mấy câu mở đầu của nó: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp, hò... ơ... Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào”.

Bản vọng cổ vừa mới “chào đời”, qua giọng ca của “đệ nhứt danh ca” Út Trà Ôn đã khiến nhiều trái tim đa cảm nức nở. Và chính nó đã tôn vinh chợ nổi Ngã Bảy thành một trọng điểm văn hóa, thu hút sự quan tâm của hàng bao nhiêu người hâm mộ cổ nhạc ở miền Nam cùng bao nhiêu khách du lịch.

Chợ nổi Ngã Bảy nằm ngay trung tâm thị xã Ngã Bảy bây giờ. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam trong quyển “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, sau khi đào xong kinh xáng Xà No, “Công ty Kỹ nghệ Viễn Đông (Sté Francaise Industrielle d’Extrême – Orient) lãnh thầu, đào kinh Lái Hiếu, kinh Thốt Nốt và những con kinh hiệp lại thành ra vùng Ngã Năm (Sóc Trăng - NV), Ngã Bảy ngày nay (1906-1908)”.

Gọi Ngã Bảy vì đây là nơi hội tụ các nhánh kinh đào và sông, gồm: Cái Côn, Bún Tàu, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Xẻo Vông và Mương Lộ. Sau khi đi vào hoạt động, chợ nổi Ngã Bảy đã biến vùng đất này thành một trung tâm giao thương hàng hóa lớn (đặc biệt là nông sản), đầu mối giao thông thủy lớn của cả miền cực Nam, cho nên người Pháp gọi nó là “Ngôi sao Phụng Hiệp”.

Từ đó, để phục vụ giao thương tốt hơn, nơi đây đã hình thành xóm làm xuồng, làng nghề làm ghe ở đầu doi Tân Thới Hòa, doi Chảnh, doi Cát, dài hơn 1 cây số, tồn tại với hàng trăm hộ ăn nên làm ra. Cũng hoạt động sôi nổi là làng nghề làm cần xé ở Đại Thành.

Đặc biệt khi “chợ Ngã Bảy trở thành huyện lỵ, khách thương hồ từ bảy ngả kinh xáng gặp nhau, un đúc nên điệu hò Ngã Bảy khá độc đáo” (Sơn Nam, sđd).

 Ngày nay, thị xã Ngã Bảy nằm trên tuyến Quốc lộ 1, giữa trung tâm thành phố Cần Thơ và và trung tâm thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), cách mỗi nơi này khoảng 30 cây số. Thị xã Ngã Bảy rộng 7.894,93ha, có 61.024 dân (năm 2005), gồm 3 phường: Ngã Bảy, Lái Hiếu, Hiệp Thành và 3 xã Hiệp Lợi, Đại Thành, Tân Thành.

 Chợ nổi Ngã Bảy xưa là một trong ba chợ nổi nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, là: chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). So với hai chợ nổi kia, chợ nổi Ngã Bảy thuở ấy nổi tiếng nhất, là nơi bán sỉ các loại trái cây như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, nhãn, quýt, cam,... “mùa nào thức nấy”.

Đặc biệt, mỗi ghe chỉ bán độc một món hàng. Sản phẩm bán được treo trên đầu một cây sào dài, gọi là “cây bẹo”. Sản phẩm sau khi mua, được thương lái chở theo các dòng kinh, con sông bán khắp mọi nơi.

Bên cạnh đó, chợ nổi Ngã Bảy còn phát triển thêm các loại hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản... trong đó có mặt hàng chiếu, mà một anh chàng bán chiếu ở Cà Mau đã “thất tình” cô gái Phụng Hiệp khách hàng đã “lỗi hẹn” năm nào.

 Bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” vẫn đậm buồn trong lòng người hâm mộ cổ nhạc, và chợ nổi Ngã Bảy sau gần 100 năm hoạt động cũng trở nên buồn bã khi nó bị dời đi vào một nơi cách đó trên 3 cây số (Ba Ngàn, trên sông Cái Côn) nhằm giải quyết sự thông thoáng của cái ngã bảy này.

Thật là đáng tiếc. Thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng thế giới, ông Jacques Yves Cousteau, người Pháp, năm 1992 đã đến chợ nổi Ngã Bảy dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn 100m cùng 4 ca nô chuyên dùng tỏa ra các điểm chợ nổi Ngã Bảy để thực hiện một bộ phim về chợ nổi này, đã phát trên sóng của 100 đài truyền hình trên thế giới.

Ông đã khẳng định: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy”. Nhà văn hóa Australia đã phát biểu vào năm 2001: “Đây là thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của màu sắc, âm thanh, hương vị thiên nhiên, con người mang đậm sắc thái Việt. Một nền văn hóa cộng đồng chứa đầy tính duy cảm”, “Thật kỳ ảo, giữa mênh mông trời nước, hàng trăm cái cột (cây bẹo - NV) nhấp nhô, tụ về một mối. Chợ này đẹp và sôi động, sung túc nhiều so với chợ nổi Thái Lan”.

Nhà báo Vũ Thống Nhất “nhức nhối” buồn trên báo Sài Gòn Giải Phóng: “Nên phục hồi chợ nổi Ngã Bảy, nếu cần, Tổng cục Du lịch sẽ góp kinh phí. Đó là ý kiến của bà Võ Thị Thắng, khi còn làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sau khi chợ nổi Ngã Bảy đã được di dời (...)

Gần đây, sự việc lại được “xới” lên. Tại Đại hội Đảng bộ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) tổ chức vào giữa tháng 6 (2012 - NV), nhiều ý kiến đề xuất nhanh chóng khôi phục chợ nổi Ngã Bảy để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại - dịch vụ của địa phương. Ngày 26-7-2012, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Hậu Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn”.

Trong hội thảo có ý kiến cho rằng, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, xu thế kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như hiện nay, thì dù dời chợ về vị trí cũ cũng không thể tạo được thời “hoàng kim” của nó”...

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến đồng tình dời về vị trí cũ cùng những đề xuất phát triển. Thế nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Và, chẳng riêng anh chàng bán chiếu Cà Mau, mà bao nhiêu du khách, kể cả những nhà văn hóa, vẫn phải “thất tình” vì cái “cô nàng Ngã Bảy” chẳng “chịu” “ra chào” ở chốn cũ Ngã Bảy “hẹn hò”!

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm