Hàng dệt may Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 8,7 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Điểm sáng nổi bật trong bức tranh đầu tư quý 1-2017 là mức tăng mạnh số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, bổ sung vốn và cả số quay lại hoạt động ở các vùng và ngành.
Cả nước có tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong hơn 35,7 nghìn DN (trong đó, có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016), với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung vào nền kinh tế là 596,6 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm 11%.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, thì hơn 90% số DN trong tổng số hơn 110.000 DN đăng ký kinh doanh trong năm 2016 đến nay đã đi vào hoạt động, đã kê khai thuế và nộp thuế. Điều này cho thấy số lượng DN “ma” đang giảm mạnh và môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư, cũng như lòng tin thị trường đang được cải thiện tích cực.
Hơn nữa, điểm sáng khác là dòng FDI quý 1/2017 so với cùng kỳ năm trước cũng có nhiều khởi sắc cả về vốn đăng ký mới, bổ sung và thực hiện. Điều này cho thấy việc Mỹ rút khỏi TPP ít ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn này vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt 7.710,1 triệu USD, tăng 77,6%. FDI thực hiện ước đạt 3.620 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 74,7% FDI đăng ký cấp mới.
Sự khởi sắc khu vực doanh nghiệp và tăng mạnh dư nợ tín dụng ngân hàng quý I tới 2,8% góp phần đẩy dòng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP; trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt 99,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,4% và tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% và tăng 6,2%.
Dòng đầu tư doanh nghiệp đã tạo lực đẩy hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực và hàng nông sản quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hàng dệt may đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,3 tỷ USD, tăng 42,3%; giày dép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 2,8 tỷ USD, tăng 34,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 14,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 21%; cà-phê đạt 1,1 tỷ USD, tăng 30,7%; hạt điều đạt 520 triệu USD, tăng 18% (lượng giảm 2,9%)...
Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt 671 triệu USD, tăng 24,3% và vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 650 triệu USD, tăng 29,7% (lượng giảm 15,8%).
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực DN FDI chiếm 97,3% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện; chiếm 91,9% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; chiếm 60,1% kim ngạch hàng dệt may Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 8,7 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 cho thấy xu hướng lạc quan trong DN: Tăng trưởng tín dụng quý 1/2017 đạt 2,81%, mạnh nhất trong vòng sáu năm trở lại đây cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện tích cực. Có khoảng 75% số doanh nghiệp đánh giá có số đơn đặt hàng và tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay ổn định hoặc tốt hơn quý trước; dự kiến quý II so với quý I năm nay, có tới 90% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định hoặc tốt lên.
Về triển vọng, việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% với yêu cầu 9 tháng còn lại GDP phải tăng 7% là khá vững chắc, dù cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Dự báo mới nhất của WB tại tại buổi họp báo chiều 23-3 là Việt Nam trong năm 2017 sẽ tăng trưởng từ 6,5-6,7%. Tuy nhiên, một số động lực tăng trưởng truyền thống, như nhân công giá thấp hay dựa vào xuất khẩu sẽ không tồn tại mãi mãi... nên Việt Nam cần phải tạo ra nền móng để có nguồn động lực tăng trưởng mới trên cơ sở tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển; khai thác các cơ hội Việt Nam đã tham gia vào các thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA); đưa ra các luật lệ kinh doanh có tính cạnh tranh và có cơ chế tốt hơn giúp khu vực kinh doanh thuận lợi hơn, cải thiện cơ cấu xuất khẩu với tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo ngày càng tăng. Hàng điện tử đang thay thế các ngành truyền thống như may mặc và giày dép…
TS NGUYỄN MINH PHONG
Theo nhandan.com.vn