Thời gian gần đây, nhiều bờ biển tại Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Thành phố nổi tiếng với những bãi biển đẹp, thu hút du khách này đang thực hiện nhiều biện pháp để chống sạt lở, bảo vệ bờ biển và cũng là thương hiệu của mình.
Bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của thành phố ven biển này. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Dọc tuyến ven biển Đà Nẵng, từ phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đến phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), hàng chục km bờ biển bị sạt lở diễn ra trên diện rộng. Điểm sạt lở nặng nhất là khu vực trước tòa nhà chung cư cao cấp do chủ đầu tư Mường Thanh đang xây dựng sắp hoàn thành và tổ hợp khách sạn Holiday thuộc phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn).
Tại 2 điểm này, bãi cát bị khoét thành bậc cao đến hơn 1,5 m, sóng biển đã cuốn trôi một số kết cấu bê tông, làm lộ chân móng nhiều công trình khiến bãi tắm trở nên tan hoang.
Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết hiện tượng sạt lở bất thường này đang diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp, tạo thành những lòng chảo nước khá nguy hiểm cho hoạt động tắm biển của du khách, có nguy cơ lan rộng ra cả một khu vực kéo dài hàng chục km. Nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng này, trong tương lai không xa, bãi biển Đà Nẵng sẽ có nguy cơ sạt lở giống như ở Cửa Đại, TP. Hội An.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân xâm thực bờ biển do tác động gió mùa. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, hiện nay dọc bờ biển Đà Nẵng có 50 cửa thoát nước mưa trực tiếp ra bãi biển. Sau mỗi trận mưa, khoảng 5.000 m3 cát bị cuốn trôi khiến bãi biển bị xé toạc, biến dạng. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng.
Các cửa thoát nước mưa trực tiếp ra bãi biển được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện tượng sạt lở bờ biển. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hiện, Thành phố đang xúc tiến triển khai Dự án Xây dựng hệ thống cống bao từ nguồn vốn của Tổ chức JICA - Nhật Bản. Đường kính ống cống từ 1,8-2 m, xây dựng song song, nằm phía dưới lòng mương thoát hiện tại. Hệ thống cống bao này khi hoàn thành sẽ gom toàn bộ nước thải và nước mưa về để xử lý, không còn xả trực tiếp ra biển.
“Trong khi chờ triển khai dự án này, UBND thành phố Đà Nẵng đã đầu tư khẩn cấp xây dựng 3 cửa xả ven bãi biển Mỹ Khê, mua thêm 10 máy bơm để hút nước mưa về bể tập trung, hạn chế nước thoát ra biển”, ông Nam cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhằm từng bước khôi phục dải xanh ven biển, chắn cát, chắn sóng và bảo vệ đường bờ biển trước tác động của biến đổi khí hậu, Thành phố cũng đang triển khai trồng các loại cây có khả năng chắn sóng, giữ cát như phi lao, dương…
Trước đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh đã thị sát hiện trường và chỉ đạo khắc phục tình trạng này. Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, biển Đà Nẵng là tài sản vô giá, tình trạng sạt lở có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch của “thành phố đáng sống”. Do đó, các sở, ngành cần phải nhanh chóng nghiên cứu, sớm triển khai các giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng.
Theo Lưu Hương/Chinhphu.vn