Cập nhật: 08/04/2017 11:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá nông sản đang ở mức thấp kỷ lục do cung vượt cầu. Nhiều loại nông sản bị bán đổ, bán tháo cho tư thương, khiến người sản xuất và tiêu dùng đều thiệt.

Một quầy bán thịt lợn tại chợ Đội Cấn, quận Ba Đình (Hà Nội).

Tại xã Vân Trì (huyện Đông Anh, Hà Nội), người nông dân đang thu hoạch cà chua, đã thấm thía câu “ được mùa rớt giá”. Anh Hưng, xã Vân Nội chỉ ruộng cà chua chín đỏ ngậm ngùi: “Để trồng được ruộng cà chua thế này, chúng tôi phải mất bốn tháng. Bán được hai đến ba triệu đồng trừ tiền vốn, tiền phân bón… chẳng bõ công trồng trọt, chăm sóc”.

Năm 2016, cũng vào độ tháng 2, tháng 3, giá cà chua lên cao đỉnh điểm với giá 20 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg. Nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sợ “cháy hàng” còn phải khống chế lượng mua đối với từng khách hàng. Thấy "ngon ăn" cho nên năm nay, nhiều nông dân đã không ngần ngại mở rộng quy mô sản xuất và kết quả nhận “trái đắng”.

Không chỉ cà chua, mà cà-phê, thanh long, dưa hấu, thậm chí thịt lợn cũng "được mùa" trong suốt thời gian qua khiến cho giá bán "rớt thảm". Theo chia sẻ của ông Hường, chủ một trang trại lợn hơi ngoại thành Hà Nội, giá lợn hơi bán tại trang trại hiện giảm chỉ còn 35 nghìn đồng/kg. Giá rau xanh cũng không là ngoại lệ khi một mớ rau muống tại ruộng chỉ có giá 1.500 đồng/bó…

Tưởng rằng giá giảm thì người tiêu dùng được lợi, nhưng để các loại nông sản từ ruộng đến tay người tiêu dùng ít nhất cũng phải trải qua một đến hai khâu trung gian. Người thu gom đem bán cho thương lái, thương lái bán cho những tiểu thương nhỏ lẻ tại các chợ đầu mối, cho nên giá cả bị đội lên gấp hai, gấp ba, thậm chí gấp năm lần. Thí dụ như lợn thịt khi qua xử lý của lò mổ, bán với giá 65 nghìn đồng/kg nhưng khi đi ra đến chợ, giá bán dao động từ 90 đến 110 nghìn đồng/kg. Tại chợ Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Minh, người bán thịt có thâm niên tại đây, mỗi ngày nhận về trung bình một tạ thịt, nhập vốn hơn sáu triệu đồng, trừ chi phí xăng xe, phí kiểm dịch và chỗ ngồi, bán hết hàng chị lãi gần ba triệu đồng. Giá một mớ rau muống tại ruộng là 1.500 đồng, thương lái mang vào chợ trung tâm sẽ bán với giá 3.000 đồng, có nơi là 5.000 đồng/bó. Cà chua bán tại ruộng là 3.000 đồng/kg, khi qua tay thương lái vào chợ thành phố sẽ được bán lên đến 7.000 đồng/kg.

Cô Yến, một nông dân trồng cà chua ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, một sào cà chua bán khoán với giá hai triệu đồng, sau khi thu hoạch và mang lên bán tại các chợ trung tâm Hà Nội, những người thu mua bán lại sẽ tự ý nâng giá để thu về sáu triệu đồng, nghiễm nhiên lãi bốn triệu đồng. Anh Hòa, xã Vân Trì, huyện Đông Anh, một người chuyên thu mua rau, củ, quả của người dân trong xã để bán cho các mối lái gom hàng đưa lên Hà Nội cho biết: Để lên đến các điểm chợ bán ở Hà Nội, rau, củ, quả thường ít nhất phải qua hai khâu trung gian, một là người đến các nhà vườn gom hàng và sau đó là một thương lái có mối ở trên đó lấy hàng, đóng gói và chuyển đi bằng xe tải. Và tất nhiên là qua khâu trung gian thì phải thu lợi nhuận. Thường thì những người đến nhà vườn gom hàng, do không mất nhiều sức cho nên chỉ lời 1.000 đồng/kg rau quả. Thương lái gom hàng, thu lợi nhuận cao hơn, có khi từ 20 đến 30%.

Để thị trường nông sản khởi sắc, rút ngắn những bất cập từ đồng ruộng đến người tiêu dùng, trước tiên, các cơ quan chức năng cần điều tiết tốt thị trường nội địa, quy hoạch lại sản xuất một cách bài bản hơn, khoa học hơn, làm tốt công tác khuyến nông, thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ manh mún sang thành lập các tổ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tạo chuỗi nông sản sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn. Đây chính là mấu chốt để tránh tình trạng được mùa mất giá đã đeo đẳng người nông dân trong nhiều năm qua.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự hợp tác giữa lực lượng sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp đầu ra nhằm giải quyết triệt để bài toán “chất lượng và giá rẻ” trong sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP theo hướng dẫn của chuyên gia. Đồng thời, các công ty, xí nghiệp sản xuất/chế biến hàng xuất khẩu thay vì tiêu thụ phần ngọn, cần phải quan tâm đầu tư bảo quản chất lượng của sản phẩm ngay từ khâu thu hoạch, thậm chí tổ chức cho nông dân sản xuất sao cho giảm giá thành xuống mức thấp nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước nên dành kinh phí để nông dân có thể vay vốn để sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm nào, sản xuất ra sao để có biện pháp đồng bộ, từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường tiêu thụ. Nhờ chính sách nâng đỡ của Nhà nước (chủ yếu qua chênh lệch lãi suất) mà nông dân có thể tự mua thiết bị vật tư, máy móc để sản xuất. Nếu những giải pháp này đều được thực hiện đồng bộ, tin rằng những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ không còn là gánh nặng của nông nghiệp Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng trên con đường làm giàu từ đồng đất quê hương của mình.

Mai Thương

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm