Nước ta hiện có khoảng 130 đô thị có đường biển thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển. Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), cũng như sự phát triển đô thị ồ ạt, các khu kinh tế ven biển được thành lập đang đặt ra những bài toán lớn về việc kiểm soát nước thải và chất thải nguy hại công nghiệp tại khu vực này. Nếu không xử lý một cách triệt để sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái ven biển.
Việt Nam có 3.260 km bờ biển, trải dài qua 28 tỉnh, thành phố, với hơn 50% dân số của cả nước sống theo đường bờ biển. Trong khi đó, nước ta là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH toàn cầu và nước biển dâng. Do vậy, hằng năm có hàng chục triệu người phải chịu ảnh hưởng và chung sống với những diễn biến bất thường của thời tiết, những ảnh hưởng do BĐKH gây ra. Đáng chú ý diễn biến thời tiết đã không theo chu kỳ, mà liên tục xảy ra yếu tố bất định trên khắp mọi miền, ở mọi thời điểm, dẫn đến nhiều đô thị đang phải chịu ảnh hưởng của hiện tượng sạt lở bờ biển như Quảng Nam, Cà Mau; hay những đô thị nằm trong hệ thống trũng thấp và chịu ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng nước biển dâng như Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế… làm ảnh hưởng, gây hư hại nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng ven biển.
Bên cạnh những nguyên nhân tự nhiên, thì việc phát triển đô thị ồ ạt cũng góp phần làm gia tăng hiện tượng BĐKH. Việc khai thác quá mức tài nguyên đất vì mục tiêu phát triển đô thị và công nghiệp mà coi nhẹ yêu cầu phát triển bền vững, vấn đề sinh thái đô thị tác động không nhỏ đến những tự nhiên, gia tăng sự cố môi trường. Không chỉ các đô thị, mà hiện nay, cả nước có 15 khu kinh tế đang được đầu tư xây dựng ven biển. Các khu kinh tế và các khu đô thị đã đặt ra những bài toán lớn về kiểm soát nước thải và chất thải do ảnh hưởng của các chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp nguy hại không được xử lý triệt để; thậm chí xả thẳng vào môi trường tự nhiên sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển khu vực và tính bền vững của hệ sinh thái ven biển.
Theo số liệu điều tra, khảo sát chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng về thoát nước và xử lý nước thải tại 129 đô thị ven biển cho thấy: tỷ lệ bao phủ mạng lưới thoát nước ở các đô thị trung bình hiện chỉ đạt khoảng 70%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt được dưới 50% lượng nước thải phát sinh. Còn có sự chênh lệch lớn về mức độ bao phủ của hệ thống thoát nước và xử lý nước giữa các đô thị do mức độ quan tâm và năng lực đầu tư khác nhau. Các đô thị đặc biệt, loại I, II, III thì tỷ lệ này cao hơn các đô thị loại IV, V do các tiêu chuẩn trong hệ thống phân loại đô thị hiện hành có quy định về tiêu chuẩn này, cho nên để đạt được phân loại đô thị thì chính quyền các đô thị đã có sự quan tâm đầu tư, bảo dưỡng nhất định…
Do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng sự hình thành của nhiều cụm dân cư, nhiều khu đô thị mới phát sinh một lượng nước thải lớn ra môi trường. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý, phân loại, tái sử dụng nước thải sinh hoạt và cụm công nghiệp vẫn chưa được thực hiện triệt để theo các quy định khiến đô thị nhiều địa phương không tương xứng với hạ tầng đã được đầu tư. Nước thải còn bị xả trực tiếp trên bề mặt, hoặc trong các mương, máng không có nắp đậy không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm giảm mỹ quan đô thị, phá hoại môi trường du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và gây ra những hậu quả khó khắc phục trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện ở nước ta chưa có đô thị nào trong hệ thống đô thị ven biển xây dựng hệ thống giám sát nước thải sinh hoạt và thu phí sử dụng nước thải; nhiều dự án thoát nước đã được đầu tư xây dựng trên cả nước, nhưng do các dự án này còn nhỏ lẻ, tập trung ở một số điểm, chưa được đầu tư theo hệ thống, cho nên cũng chỉ mới phát huy hiệu quả ở quy mô nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường. Thiếu sự đầu tư đồng bộ cho công nghệ xử lý, nhiều nhà máy xử lý nước thải vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu; mạng lưới thu gom, trình độ quản lý, vận hành hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Vì vậy, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do ô nhiễm từ các lưu vực sông, các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển. Chất lượng nước biển bị ô nhiễm chủ yếu bởi chất rắn lơ lửng, nitrat, nitrit, coliform, dầu và một số thành phần kim loại nặng…
Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược cho hệ thống đô thị ven biển nói riêng và hệ thống đô thị quốc gia nói chung một cách hợp lý. Đẩy mạnh việc quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đồng bộ trên cả nước. Đổi mới phương pháp quản lý phát triển đô thị, quản lý sử dụng đô thị, thể chế quy hoạch, thiết kế, xây dựng đô thị, nhất là đối với các đô thị ven biển luôn phải đối diện và sống chung với triều cường, bão, lũ…
Bên cạnh các giải pháp công trình về điều chỉnh thiết kế, quy chuẩn xây dựng cần cân nhắc tới các kịch bản BĐKH nhằm phòng, chống thiên tai và làm giảm rủi ro do BĐKH, nước biển dâng. Tiếp tục xem xét lại các quy hoạch về thủy lợi, thoát nước từ cấp vùng đến cấp đô thị với các giải pháp ứng phó phù hợp và toàn diện từ xây dựng hạ tầng tới cơ chế điều hành và quản lý hoạt động các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồng thời, trong các quy hoạch thoát nước và quy hoạch đô thị các giải pháp về ứng phó với lũ lụt, thiên tai không chỉ nên dùng các giải pháp “chặn” nước mà nên tiếp cận trên phương diện “đón” nước và hoạch định “đường đi cho nước”. Hơn nữa, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cũng phải được thực hiện với các cân nhắc về BĐKH. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, năng lực về ứng phó với BĐKH cho các cán bộ lập quy hoạch, quản lý quy hoạch ở tất cả các cấp bằng phương pháp tiếp cận mới trong lập quy hoạch xây dựng có lồng nghép các yếu tố của BĐKH một cách có hiệu quả…
THS, KTS TẠ THỊ THU HƯƠNG
Theo nhandan.com.vn