Có dịp đến huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trong những ngày đầu đông, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan hùng vỹ, nên thơ nơi đây mà còn thu hút bởi món ăn độc đáo của núi rừng, đó là măng sặt.
Với người dân tại khu vực thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc và xã Thành Công (Nguyên Bình)…, nơi có loài cây sặt thuộc họ nhà tre, trúc nhưng thân cây thẳng và nhỏ hơn, mọc tự nhiên nhiều, thì măng sặt là món ăn truyền thống. Bà Đàm Thị Bích, dân tộc Dao đỏ, xã Thành Công, vừa nhanh tay dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ dọc thân măng, để lộ màu trắng nõn của lõi ngọn măng rồi bóc toàn bộ lớp vỏ còn lại với phần thân măng màu xanh pha lam vàng để bày bán tại chợ phiên thị trấn Nguyên Bình, chia sẻ: Măng sặt sinh sản nhanh, mọc thành cụm dày. Mùa măng sặt bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 10 âm lịch, do mùa măng chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng nên phải khẩn trương hái. Nếu để lâu, cây măng xanh sẽ mất vị ngọt, mềm và bị đắng, khó ăn.
Măng sặt Nguyên Bình
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, măng sặt có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, như: Măng ninh sườn (măng bóc vỏ rồi đập dập ninh với sườn lợn, cà chua, thêm một chút hành); măng xào (măng bóc rồi thái vát mỏng, xào với lòng gà, lòng vịt hoặc thịt bò); măng luộc chấm mắm tôm, chanh ớt; măng nướng (để nguyên lớp vỏ đem nướng trên bếp lửa); măng rán (luộc chín, đem rán vàng rồi om với thịt vịt); măng cay (chẻ nhỏ, ngâm với dấm ớt đóng lọ ăn dần)…
Măng sặt của Nguyên Bình ăn một lần sẽ khó quên với những lõi măng đặc mà mềm, trắng nõn nhưng ít xơ, khi ăn dư vị ngọt, thơm còn đọng lại bởi hương vị thanh khiết, trong lành của núi rừng. Nếu bạn được thưởng thức dù chỉ một lần chắc hẳn không thể quên món măng sặt đậm hương vị núi rừng.
Sưu tầm