Ngày 24/4 tới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ có cuộc họp với các DN chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn để tìm giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, giúp các hộ chăn nuôi qua cơn bĩ cực.
Thông tin này được ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “An toàn thực phẩm và giải pháp thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi” do Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện nay, người chăn nuôi lợn trong nước đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng luôn đi xuống ở mức rất thấp, dưới 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi, chi phí thuốc thú y lại tăng cao...
Mặc dù sản lượng thịt lợn, thị gà của Việt Nam dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng sản phẩm thịt nói chung vẫn đang bị cạnh tranh ngay tại chính thị trường nội địa.
Ông Đương dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam là 39.400 tấn, trong đó giá thịt lợn tươi khoảng 35.900 đồng/kg; các phụ phẩm giết mổ khác có giá khoảng 21.000 đồng. Trong khi đó, ở trong nước, giá thành 1 kg lợn hơi dao động khoảng 39.000-40.000 đồng. Như vậy, chúng ta không thể cạnh tranh được về giá cả với thịt lợn nhập khẩu.
Hiện nay, thịt lợn của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tỉ lệ lợn được thông quan qua đường chính ngạch rất thấp, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Một phần nhỏ XK sang Nga, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc)… chủ yếu lại là lợn sữa.
Ngoài giá cả, thịt lợn của Việt Nam cũng chưa chiếm lĩnh được thị trường thế giới bởi chất lượng sản phẩm chưa cao do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong phòng, trị bệnh và kích thích sinh trưởng, gây tồn dư trong thịt.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng trầm trọng, khi phần lớn nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường. Nguồn chất thải vượt quá khả năng chịu tải của tự nhiên đã gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước đến mức báo động, gây sức ép tới môi trường, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Ông Dương cũng dự báo ngành chăn nuôi lợn trong nước sẽ tiếp tục lao dốc trong tháng 5, tháng 6 tới do thời tiết được dự báo là nắng nóng, người tiêu dùng sẽ tăng nhu cầu sử dụng hải sản, vịt thả đồng… khiến thịt lợn tiếp tục dư thừa.
“Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn gặp khó như hiện nay. Với thời tiết tháng 5 đến tháng 7 do nóng nực, người chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn hơn nữa. Hiện giá lợn hơi đã giảm dưới 30.000 đồng/kg và khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu", ông Dương chia sẻ.
Để giải cứu người chăn nuôi trong tình cảnh này, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về đề xuất một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi của Bộ NN&PTNT.
Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y. Đồng thời, cần dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh.
Theo Tổng cục Hải quan, riêng từ ngày 1/1 - 15/3/2017, cả nước nhập gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung bình 1 kg thịt lợn nhập khẩu, giá chỉ 27.000 đồng.
Trong các loại thịt lợn nhập khẩu, thịt tươi, thịt ướp lạnh chiếm gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD (trung bình khoảng 42.700 đồng/kg). Các loại phụ phẩm thịt sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh nhập nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD (20.300 đồng/kg).
Đỗ Hương
Theo Chinhphu.vn