Cập nhật: 24/04/2017 15:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 1.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông ở các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam “xốc” lại lực lượng, quyết tâm ngăn chặn tình trạng xe quá tải đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Tại nhiều địa phương, đang tái diễn trên diện rộng tình trạng xe chở quá tải, cơi nới kích thước thùng hàng, gây hư hại đường sá và mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Ngang nhiên hoạt động

Thống kê của Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), trong ba tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 42.590 xe tải, phát hiện, xử phạt 4.356 xe chở quá tải (tương đương 10,22%). So với giai đoạn thực hiện Kế hoạch liên ngành số 12593/KHPH-BGTVT-BCA giữa Bộ GTVT - Bộ Công an (2014-2016), có sự phối hợp của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tại các trạm kiểm tra tải trọng xe, tỷ lệ vi phạm được phát hiện bằng 8%, cao hơn 2%. Năm 2013 và 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư cho 63 địa phương, mỗi tỉnh một bộ cân tải trọng lưu động để bắt đầu “cuộc chiến” chống xe quá tải. Trong “cuộc chiến” này (kết thúc vào tháng 6-2016), sau gần ba năm có sự ráo riết vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, xe quá tải đã giảm 80 đến 90%. Tuy nhiên, hiện tại, trên nhiều tuyến đường, “nạn” xe quá tải đã bùng phát trở lại. Ngay tại Hà Nội, đường Hồ Chí Minh đoạn Xuân Mai - Hòa Lạc, quốc lộ 6 đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình, xe quá tải trọng, xe cơi nới thùng hiệu “Hổ vồ” (Howo) chở vật liệu hoạt động khá nhiều. Trên các tuyến đường nội đô cũng thường xuyên xuất hiện xe chở quá tải trọng. Dọc theo quốc lộ 1 ở một số địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, tình trạng xe quá tải hoạt động còn dữ dội hơn.

Phó Vụ trưởng ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đặng Văn Chung cho biết: Tôi là một trong số những người tham gia “cuộc chiến” chống xe quá tải từ ngày đầu. Có thể nói, sau gần ba năm, kết quả đạt được khá khả quan. Tuy nhiên, một số địa phương hiện nay đã “buông” xe quá tải. Tình trạng xe quá tải trọng chạy đường dài không bị xử phạt, nhất là trên quốc lộ 1, đã tái diễn. Các trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động dọc quốc lộ 1 đã bị rút gần hết, chỉ còn lại một số ít tỉnh vẫn duy trì như Nghệ An, Vĩnh Long. Lực lượng cảnh sát giao thông đã rút khỏi trạm kiểm soát tải trọng xe, chỉ còn thanh tra giao thông. Theo Luật Thanh tra, lực lượng thanh tra GTVT địa phương chỉ được hoạt động trên địa bàn do Sở GTVT quản lý, cho nên trên quốc lộ 1 (do trung ương quản lý) hiện đã gần như không còn trạm cân xe lưu động. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là sau khi hai bộ Công an và GTVT tổng kết Kế hoạch 12593, đã thông báo kết thúc và tạm dừng phối hợp, khiến nhiều địa phương cho rằng việc chống xe quá tải đã dừng lại. Theo Giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Đình Long, sau tháng 8-2016, khi lực lượng CSGT dừng phối hợp tại các trạm kiểm soát tải trọng lưu động trên quốc lộ, hiệu quả giảm sút rõ rệt. Tới đây, cần có giải pháp phối hợp tốt hơn để xử lý nghiêm xe quá tải. Một lý do khác là các trạm cân thường gặp sự cố hỏng hóc, khiến việc kiểm soát xe quá tải cũng phần nào bị gián đoạn. Các bộ cân lưu động được trang bị cùng một thời điểm, nay đã đến kỳ kiểm định lại. Trong khi đó, chỉ ở Hà Nội mới có xưởng kiểm định, bảo dưỡng các bộ cân, cho nên hầu hết các địa phương đều phải gửi về Hà Nội để sửa chữa. Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, một số địa phương cố tình không muốn chống xe quá tải vì mục tiêu phát triển kinh tế.

“Xốc” lại lực lượng

Trước thực trạng xe quá tải bùng phát trở lại, cuối năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị 32 ngày 25-11-2016 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Trong đó, Thủ tướng đã giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe thuộc về chính quyền địa phương. Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn quản lý. Theo Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Vũ Đỗ Anh Dũng, các xe có kích thước thùng hàng vượt quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông là do lực lượng chức năng một số địa phương buông lỏng, thậm chí tiêu cực. Vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải. Các xe vi phạm chủ yếu là các xe chở nông, lâm sản, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án xây dựng dân dụng, giao thông,...

Bộ GTVT đã yêu cầu lực lượng thanh tra các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam “xốc” lại lực lượng, quyết tâm ngăn chặn tình trạng xe quá tải đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Thời gian tới, để công tác kiểm soát tải trọng xe đạt hiệu quả tốt hơn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương quán triệt và tăng cường vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, cảng bến, nhà thầu,… có trách nhiệm quản lý và kiểm soát không để xảy ra việc xếp hàng quá tải lên xe ô-tô và không nhận hàng từ xe quá tải. Bộ GTVT sẽ tăng cường giám sát tại các cơ sở đầu nguồn hàng, đồng thời kiểm tra đột xuất những điểm có nhiều xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả kiểm tra tải trọng xe.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tới đây, Bộ GTVT sẽ đề nghị Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai một tháng cao điểm kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, dự kiến sẽ triển khai ngay trong tháng 5-2017. Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Công an, một số địa phương để bàn giải pháp phối hợp tăng cường hiệu quả kiểm soát xe quá tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ khảo sát một số trạm thu phí BOT đã lắp đặt cân tự động kiểm tra tải trọng xe, đề xuất giải pháp thí điểm sử dụng thông tin từ các trạm này để xử phạt nguội xe quá tải.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thời điểm khó khăn nhất là lúc mới bắt đầu thực hiện kiểm soát tải trọng, các lực lượng đã quyết tâm làm bằng được và làm rất tốt. Đến nay, khi đã đi vào nền nếp, giảm được hơn 90% số xe quá tải, không có lý do gì để chúng ta dừng lại. Các lực lượng trong ngành GTVT, nhất là lực lượng thanh tra giao thông cần thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm để chống xe quá tải. Cần tận dụng các thẩm quyền, công cụ được pháp luật cho phép, tổ chức lực lượng, có cách làm sáng tạo để kiểm soát tải trọng xe. Một trong những giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới là điều động lực lượng thanh tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp hỗ trợ thanh tra giao thông các địa phương tổ chức kiểm soát tải trọng trên các quốc lộ được ủy thác quản lý, kết hợp kiểm tra xử lý tải trọng với vi phạm cơi nới kích thước thùng xe.

Bài và ảnh: HÙNG DUY

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm