Cập nhật: 26/04/2017 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành chăn nuôi lợn tăng trưởng quá nhanh, trong khi "đầu ra" tổ chức chưa tốt, khiến người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Sản phẩm thịt lợn bày bán tại Siêu thị Big C (Bình Dương). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Hiện nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang ở mức rất thấp, dưới 30.000 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y luôn ở mức cao... Người chăn nuôi lợn đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng.

Nguy cơ "treo chuồng"

Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, hiện giá lợn hơi chỉ hơn 20 nghìn đồng/kg đối với lợn có trọng lượng hơn 120 kg/con. Tại Hà Nam, có nơi thậm chí lợn nặng từ 1,4 đến 1,5 tạ/con, giá 1,5 triệu đồng/con nhưng bán không được. Không chỉ rớt giá, chuyện "lợn ế", tiêu thụ chậm cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Hộ gia đình ông Nguyễn Ðình Hãn (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có quy mô đàn lợn 300 con với ba loại lợn nái, lợn thịt và lợn con. Giờ giá lợn giảm, chỉ những người quen thân, thương lái lâu năm mới đến nhà ông để mua nhưng cũng chỉ mua "nhỏ giọt".

Tại "thủ phủ" chăn nuôi Ðồng Nai, theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh, người nuôi lợn đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Cách đây ba, bốn tháng, họ phải bỏ ra 2,2 triệu đồng để mua lợn giống (nặng khoảng 20 kg/con), đến nay giá lợn hơi khoảng 24.000 đồng/kg, nếu trọng lượng trung bình 110 kg/con, bán thu về hơn 2,6 triệu đồng/con. Với mức giá như trên, chưa tính tiền mua thức ăn chăn nuôi, công chăm sóc, người nuôi bị lỗ là đương nhiên. Nhiều hộ khác cũng lâm cảnh "dở khóc, dở cười" khi phải "gồng mình" cầm cự, vì không bán được lợn. Thống kê sơ bộ, ở Ðồng Nai hiện có từ 30 đến 40% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải "treo chuồng", do không còn vốn duy trì đàn lợn...

Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do thời gian qua, ngành chăn nuôi đã tăng trưởng quá "nóng", trong khi "đầu ra" tổ chức chưa tốt. Quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng số đàn nuôi, còn lại 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ, với khoảng ba triệu hộ chăn nuôi lợn, là nguyên nhân dẫn đến giá thành cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi tiêu thụ. Hầu hết thịt lợn vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống thông qua thương lái, và đến tay người tiêu dùng chủ yếu từ các chợ "cóc". Số lượng sản phẩm thịt lợn được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chưa nhiều.

Một nguyên nhân khác khiến thịt lợn "rớt giá", đó là sự cạnh tranh của thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1-1 đến ngày 15-3 cả nước đã nhập gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các loại phụ phẩm thịt sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh, hoặc đông lạnh là 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD (20.300 đồng/kg); thịt tươi, ướp lạnh gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD (trung bình khoảng 42.700 đồng/kg). Thịt lợn nhập khẩu giá rẻ, lại đúng vào thời điểm thị trường trong nước đang "bung hàng", khiến người chăn nuôi lỗ nặng.

Cần có giải pháp kịp thời

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam Phạm Văn Học, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các hộ chăn nuôi, một số tập đoàn, công ty có tiềm lực, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đã tính toán, giảm bớt chi phí để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và giảm giá bán tới người chăn nuôi. Các doanh nghiệp kinh doanh chế biến tìm cách mở rộng thị trường, tập trung chế biến sâu, thuê thêm kho để cấp đông, chế biến sản phẩm thịt lợn lâu dài. Tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chất lượng thịt mát, thịt cấp đông.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu thị trường. Kiến nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị trường trong nước, đồng thời chống lây lan các loại dịch bệnh. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh TĂCN và thuốc thú y.

Về lâu dài, các chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn theo hướng rà soát, giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng sao cho phù hợp, đàn lợn nái hiện có 4,2 triệu con, mục tiêu đến năm 2019 sẽ giảm xuống còn ba triệu con, đồng thời nâng cao về chất lượng. Ở những vùng có điều kiện phát triển nuôi loại gia súc, gia cầm khác thì chuyển đổi, không nhất thiết chăn nuôi lợn. Tập trung tổ chức lại ngành hàng sản xuất này, nhất là các nông hộ, bởi nếu vẫn còn khoảng ba triệu hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát. Tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm cho các phân khúc thị trường. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại hệ thống giết mổ, để từng bước làm tốt khâu chế biến. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung mở thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các nước ASEAN cùng với cung ứng cho thị trường trong nước.

Ngày 25-4, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, góp phần chia sẻ những khó khăn với người chăn nuôi lợn hiện nay, bắt đầu từ hôm nay (26-4), công ty sẽ giảm giá 200 đồng/kg cho toàn bộ các loại thức ăn chăn nuôi dành cho lợn. Với mức giảm giá này, mỗi tháng công ty đã hỗ trợ cho người chăn nuôi hơn 20 tỷ đồng.

 

Theo ANH QUANG/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm