Khó khăn lớn nhất tại hầu hết các làng nghề tiểu thủ công nghiệp nói chung và các làng nghề mộc nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, đầu ra cho sản phẩm còn nhiều vướng mắc, máy móc thiết bị chưa có sự cải tiến phù hợp với năng lực sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thông tin thị trường...
Cơ sở sản xuất Nguyễn Huy Năm
Phần lớn các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất. Đặc biệt là các hộ sản xuất quy mô gia đình khó tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ do không đủ vốn đối ứng để thực hiện các dự án.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều làng nghề mộc trong tỉnh như: Lũng Hạ, Bích Chu, Thủ Độ, Thanh Lãng, Vĩnh Đoài, Vĩnh Đông... đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ổn định, đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chính vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến gỗ trên địa bàn phát huy được thế mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương cần phải quan tâm, hỗ trợ hơn về cơ sở vật chất, máy móc, công nghệ, nguồn vốn... nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương.
Với sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm KC&TVPTCN Vĩnh Phúc - Sở Công thương từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, đến nay đã có nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị đầu tư mới được thực hiện từ các đề án khuyến công. Trước khi triển khai thực hiện đề án, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được Trung tâm KC&TVPTCN tư vấn, cung cấp thông tin cụ thể về mỗi trang thiết bị, máy móc để các đơn vị chủ động sử dụng nguồn vốn sao cho hợp lý.
Với 50 triệu đồng được đầu tư từ nguồn kinh phí khuyến công, Anh Nguyễn Huy Năm ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất. Việc sản xuất trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn nhờ sự hỗ trợ của những thiết bị cầm tay và bán thủ công như: Máy tiện, máy bào, các loại lưỡi cắt, tạo lỗ định hình định vị khớp nối, đến những thiết bị đánh bóng, phun sơn hiện đại... Vì thế, các sản phẩm đồ mộc từ những làng nghề truyền thống đang từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, thậm chí đã có những sản phẩm từ nhiều làng nghề mộc thủ công mỹ nghệ được xuất ra nước ngoài.
Trước đây, sản phẩm làm ra mặc dù có độ tinh xảo và chất lượng nhưng cũng chỉ chỉ tiêu thụ tại địa phương, lượng hàng xuất bán đi các tỉnh thành trong nước rất ít, thu nhập của người làm nghề mộc, sản xuất chế biến gỗ nói chung trên địa bàn còn hạn chế. Từ khi công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến và sản xuất đồ mộc được cải tiến thì hiệu quả và chất lượng các sản phẩm mộc cũng từng bước được nâng lên, tiêu thụ được nhiều hơn. Vì thế, thu nhập của những người thợ ngày một được cải thiện và tạo được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Sưu tầm