Hiện nay, việc áp dụng những thành tựu y học mới trong chẩn đoán và điều trị, những bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 85,6% (so với tỷ lệ 67,7% ở những năm 1990) tại Bệnh viện K.
Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh ung thư và chiến lược phòng chống ung thư quốc gia đến năm 2020, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chẩn đoán theo tuổi năm 2010 ước tính là 28,1/100.000 phụ nữ.
ThS, BS Nguyễn Minh Khánh, Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K) chia sẻ, số bệnh nhân mắc ung thư vú đang ngày càng gia tăng. Một năm có khoảng 12 nghìn người phụ nữ mắc ung thư vú, tỷ lệ 21/100.000 dân. Con số này ở châu Âu được biết là cứ khoảng 8 phụ nữ sống đến 75 tuổi thì có một người bị ung thư. Ở nước Mỹ, cứ 10 người có một người ung thư vú.
Một điều đáng lo ngại nữa là ung thư vú ở Việt Nam hiện nay xuất hiện khá nhiều ở lứa tuổi trung niên. Với các nước châu Âu, Pháp… thì nữ mắc ung thư vú chủ yếu từ 64 tuổi trở lên. Nhưng ở Việt Nam, hiện nay độ tuổi mắc nhiều nhất rơi vào độ tuổi 45-55, thậm chí có nhiều người còn rất trẻ.
Năm 2016, có khoảng 2.400 bệnh nhân điều trị ở khoa ngoại vú. Đặc biệt, số lượng người trẻ tuổi cũng không ít và hầu hết trong số đó đều được xin cắt bỏ toàn bộ vú khi phát hiện có u. “Phụ nữ Việt Nam có tâm lý lo ngại, không đi tầm soát ung thư vú sớm. Khi phát hiện, kể cả phụ nữ đã có hay chưa có con thì luôn có yêu cầu cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Đó là điều rất tiếc” – bác sĩ Khánh nói.
So sánh với châu Âu, bác sĩ Khánh chia sẻ, ở nước ngoài với chất lượng sống cao nên khi được tư vấn, họ sẽ truyền hóa chất cho nhỏ u mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, không làm ảnh hưởng tới toàn bộ vú.
Những bất cập được bác sĩ Khánh chỉ ra là tuyến vú người Việt Nam bé cho nên khi phát hiện khối u thường đã chiếm hết diện tích vú. Cho nên, trừ ở giai đoạn muộn 3, 4 cần khi khối u to, di căn lan tỏa thì cần phải chỉ định cắt bỏ vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2) thì có thể bảo toàn vú bằng việc truyền hóa chất cho khối u nhỏ lại rồi mới tiến hành phẫu thuật bảo toàn cắt rộng tuyến u và 1/3 tuyến vú. Tuy nhiên, những trường hợp này được chỉ định cho bệnh nhân bị phát hiện u ở giai đoạn sớm, u dưới 3cm và chưa di căn hạch.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo, với nữ giới còn trẻ, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể bảo tồn tuyến vú, và vẫn nuôi con hoàn toàn bằng bình thường bằng sữa mẹ. Với những phụ nữ khi đã cắt bỏ tuyến vú sẽ có nhiều kỹ thuật để tạo ngực thẩm mỹ cho người bệnh như đặt túi silicon, hoặc dùng da bụng hoặc mỡ cơ bụng lên đắp ngực. Chi phí tạo hình này đang được Bệnh viện K thực hiện miễn phí, gia đình bệnh nhân chỉ mua túi để đặt vào tuyến ngực. Nhưng thực tế con số bệnh nhân muốn tạo hình ngực cũng không nhiều.
Vì thế, phụ nữ nên tầm soát ung thư vú định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, sẽ kéo dài thời gian sống. Nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc ung thư vú, thì những phụ nữ trong gia đình nên đi tầm soát ung thư vú sớm.
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn