Cập nhật: 01/05/2017 15:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi tiếp nhận bệnh nhân, nhiều ca đã nguy kịch do phải đưa từ biển về, các bác sỹ ở Trường Sa không được phép do dự, dù cơ sở còn thiếu thốn.

Mổ đẻ cho sản phụ, truyền máu cấp cứu chiến sỹ vỡ tụy, mổ dưới sự trợ giúp từ đất liền qua truyền hình trực tuyến, nhớ tên từng bệnh nhân, thuộc tên từng người dân, chiến sỹ… đó là những bác sỹ đang ngày đêm bám biển tại Bệnh xá đảo Trường Sa.

Khó đến mấy cũng phải cứu chữa

Theo chân bác sĩ, đại úy Trương Đức Cường, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa, Khánh Hòa), chúng tôi tới thăm gia đình anh Thái Nhật Trường và chị Nguyễn Thị Phương Ái, đang sinh sống trên đảo. Chị Phương Ái (33 tuổi) là người được các bác sỹ của Bệnh viện 175 bay từ TP HCM ra đảo, cùng tập thể bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh xá Trường Sa mổ sinh em bé năm ngoái “mẹ tròn con vuông”.

BS Trương Đức Cường thăm khám sức khỏe cho em bé được sinh mổ tại đảo Trường Sa.

Chị Phương Ái tâm sự: “Sống ở đây, chúng tôi rất yên tâm, bệnh gì cũng được các bác sỹ thăm khám, cho thuốc chữa. Lúc mang thai, được chẩn đoán khó sinh, tôi cũng hơi lo lắng. Nhưng được các bác sỹ từ đất liền ra mổ nên gia đình rất tin tưởng. Chúng rất hạnh phúc được đón cô công chúa nhỏ tại đảo và đặt tên là Thái Bình Hải Thùy để nhớ mãi kỷ niệm đẹp này”.

Ca sinh mổ của chị Phương Ái là một trong những thành công của e kíp thầy thuốc phối hợp giữa đất liền và Bệnh xá Trường Sa. Nhiều ca khó, Bệnh xá phải thông qua truyền hình trực tuyến với các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành của Viện 175 để chẩn đoán, hỗ trợ mổ cấp cứu, trong đó phải kể tới trường hợp cấp cứu cho trung úy Nguyễn Quốc Lợi, 28 tuổi, khi nhập viện được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoại tử, rất nguy kịch, bởi thời gian đưa chiến sỹ này từ biển vào Bệnh xá mất rất nhiều thời gian.

Bác sĩ, đại úy Trương Đức Cường cho biết, một ngày sau ngày bầu cử Quốc hội sớm ở Trường Sa, ngày 16/5/2016, Bệnh xá Trường Sa tiếp nhận 2 ca cấp cứu, trong đó một ca mổ ruột thừa của người lính trên tàu kiểm ngư và một ca của ngư dân. Đối với trường hợp ngư dân, do bệnh nhân được phát hiện sớm nên ca mổ tương đối thuận lợi. 

Bác sĩ Trương Đức Cường nhớ lại: “Đối với trường hợp chiến sĩ Nguyễn Quốc Lợi, do anh ấy đang hoạt động trên biển nên khi phát hiện bệnh và đưa vào Bệnh xá, do thời gian quá dài trên 48 tiếng, cho nên khi chúng tôi tiếp nhận thì xác định đây là một ca rất nặng. Bệnh nhận được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoại tử.

Ngoài thăm khám, xét nghiệm, chúng tôi thông qua truyền hình trực tuyến đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của Viện 175 và quyết định mổ cấp cứu bệnh nhân này tại Bệnh xá. Ca mổ kéo dài 3 tiếng. Khi mổ, ruột thừa đã vỡ, toàn bộ ổ bụng chứa đầy mủ. Chúng tôi đã tiến hành mổ, rửa ổ bụng. Rất may mắn là bệnh nhân có sức khỏe tốt. Chính vì thế, sau mổ anh chỉ bị sốt nhẹ, những ngày sau ổn định hoàn toàn và được xuất viện sau 7 ngày”.

Một ca mổ tại Bệnh xá Trường Sa (Ảnh chụp lại)

Điểm tựa của chiến sĩ, nhân dân và ngư dân

Ca cấp cứu chiến sĩ Nguyễn Quốc Lợi là trường hợp thứ 2 bác sĩ Cường gặp và trực tiếp phẫu thuật sau khi “chân ướt chân ráo” ra Bệnh xá Trường Sa nhận nhiệm vụ.

Trong năm 2016, Bệnh xá Trường Sa đã thu dung, cấp cứu và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân, trong đó cấp cứu 650 ca, điều trị nội trú hơn 200 ca và phẫu thuật 245 ca các loại, trong đó trung phẫu 23 ca, đại phẫu là 5 ca. Đối với ngư dân đánh cá trên vùng đảo Trường Sa, Bệnh xá đã điều trị và cấp cứu gần 300 trường hợp.

Theo thống kê của Bệnh xá Trường Sa, nhân dân, chiến sĩ đóng quân trên đảo đã được quán triệt của chỉ huy đảo cũng như cán bộ y tế về chăm sóc sức khỏe, do đó đa phần người tới khám ở Bệnh xá chủ yếu là bệnh nhẹ, không có trường hợp cấp cứu mang tính chất nguy hiểm với những bệnh thường gặp như da liễu, cảm sốt thông thường.

Tuy nhiên, đối với những mặt bệnh mà ngư dân thường gặp và được thăm khám, điều trị tại Bệnh xá, bên cạnh những bệnh tương tự trên bờ, thì nhiều ca rất phức tạp như chấn thương, đặc biệt là nhiều ngư dân bị “bệnh biển đảo” đó là giảm áp, có nghĩa sau khi bệnh nhân lặn sâu dưới biển, trồi lên đột ngột sẽ gây hôn mê.

Các bác sỹ, nhân viên y tế Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương triển khai chương trình Ngân hàng máu sống tại thị trấn Trường Sa trong chuyến công tác tháng 4/2017.

Điều đáng nói, trong điều kiện cấp cứu bệnh nhân còn nhiều thiếu thốn, nhưng các bác sỹ Bệnh xá Trường Sa đã phải xử lý nhiều ca “ngàn cân treo sợi tóc”.

Bác sĩ Trương Đức Cường chia sẻ: “Đó là trường hợp chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân là binh nhất Nguyễn Thanh Phương (19 tuổi), chiến sĩ nuôi quân ở đảo. Trong quá trình hành quân, anh Phương vô tình ngã xuống hào, gây chấn thương vỡ tụy. Bệnh nhân này phải truyền gần 3 lít máu. Do ở đảo, ngân hàng máu và nguồn máu dự trữ không có vì thiếu máy móc bảo quản, do đó phải huy động cán bộ chiến sỹ trên đảo. Rất may bệnh nhân đã được truyền máu, cấp cứu kịp thời”.

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, bác sỹ Trương Đức Cường nhận được điện thoại từ một ngư dân ở Quảng Ngãi. Người ngư dân gửi lời cảm ơn bác sỹ Cường cùng đồng nghiệp và chia sẻ niềm vui đã khỏe mạnh trở lại sau khi được bác sỹ Bệnh xá Trường Sa cấp cứu do anh bị chấn thương trong khi đánh cá trên vùng biển Trường Sa. Tuần tới, ngư dân này lại ra khơi bám biển.

Bác sỹ Trương Đức Cường tâm sự: “Vấn đề y tế biển đảo được Nhà nước rất quan tâm trong những năm vừa qua. Những ngư dân hoạt động trên biển không may gặp nạn, vào Bệnh xá điều trị đều được miễn phí. Về bờ, họ gọi điện cho chúng tôi, thông báo tình hình sức khỏe. Nhiều người quay lại thăm đảo, thăm cán bộ ở Bệnh xá.

Được công tác ở Trường Sa không những là niềm vinh dự, mà còn là trách nhiệm, bổn phận của người thầy thuốc; góp sức cùng các chiến sỹ, nhân dân và ngư dân giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”./.

 

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm