Cập nhật: 03/05/2017 16:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tôi gặp ông Nguyễn Văn Đản vào một chiều thu se lạnh, trong một lần tôi may mắn được về thăm quê của một người bạn. Ở cái tuổi 84 nhưng cái se lạnh cuối thu không khiến ông kém hào hứng khi kể về điệu hát trống quân từ bao đời của quê mình, xã Đức Bác (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho những người trẻ như tôi.

Ông  Nguyễn Văn Đản là một giáo viên cấp 2 đã về hưu. Ở cái tuổi 84, ông đã có 55 tuổi Đảng. Một người đã gắn bó với mảnh đất bên tả ngạn sông Lô ngót một thế kỉ, ông chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất, con người nơi ấy, cũng như những thăng trầm của điệu hát trống quân nơi quê nhà.

Điệu hát trống quân trong ngày hội làng (nguồn: Internet)

Ông bồi hồi nhớ lại: “Không biết hát trống quân có từ khi nào, chỉ biết từ khi ông sinh ra đã thấy người ta hát trống quân rồi”. Xã Đức Bác bây giờ là Kẻ Lép ngày xưa, là vùng đất cổ cách kinh đô Văn Lang xưa không xa. Điệu hát trống quân ở Đức Bác là do nữ thần truyền dạy, sau nữ thần được dân làng thờ trong ngôi đình mang tên Đình Mẫu. “Đình bị đốt cháy trong thời giặc giã, nhưng không vì thế mà hát trống quân bị mất đi, dân làng vẫn cố gắng lưu lại điệu hát truyền thống này”, ông nói.

Đưa ánh mắt ra xa xăm, ông nhớ lại: “Hồi ông còn trẻ rất mong đến lễ hội để được tham gia hát trống quân.Cứ 3 năm một lần vào tầm cuối tháng Hai âm lịch, lễ hội hát trống quân lại được tổ chức, ông cũng không nhớ chính xác ngày nữa. Tuy nhiên do hồi đó còn nghèo, khó khăn nhiều, năm nào mùa màng bội thu lễ hội mới được tổ chức”.

Trong lễ hội, người hát trống quân không phải là người chuyên nghiệp, mà phần lớn là trai gái đến tuổi cập kê. “Bên làng của ông những người đi hát trống quân là những anh con trai khỏe mạnh, những chàng trai của Kẻ Lép cùng những cô gái của làng bên nằm bên kia bờ sông Lô, đó là làng Phù Ninh (nay là xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) sẽ hát đối đáp với nhau trên những chiếc thuyền từ sông Lô đến cửa đình”, ông hào hứng kể lại.

Những đoạn thăng trầm tạo nên giá trị

“Những năm chiến tranh nổ ra, lễ hội không được tổ chức, rồi điệu hát cũng bị thất lạc, giờ không còn nhiều người biết hát trống quân nữa”, ông trăn trở. Nỗi niềm trăn trở của ông cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như những người yêu mến nghệ thuật dân gian, niềm trăn trở của những con người gắn bó với mảnh đất quê hương buổi ấy.

“Giờ đây hát trống quân cũng đang dần được khôi phục lại rồi, xã đã thành lập một câu lạc bộ hát trống quân Đức Bác, nhiều bà con hăng hái tham gia lắm”,  ông nói trong vui mừng và kể cho chúng tôi nghe về những hoạt động của câu lạc bộ độc đáo này.

Với những  lời ca bình dị, hát trống quân ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước, đề cao tình nghĩa bạn bè đôi lứa, cùng sẻ chia cùng đồng điệu. Tình đất đã hòa quyện với tình người trong từng câu hát. Chính cái tình của người hát đã tạo nên cái hồn cho mỗi câu hát. Trống quân Đức Bác sẽ neo đậu mãi trong tâm hồn mỗi người dân nơi đây, trong phần kí ức đáng nhớ nhất của mỗi người, trong nỗi nhớ đầy vơi của những người con khi xa quê. Những lời ca tiếng hát  ấy sẽ mãi tồn tại cùng với dòng sông Lô muôn đời dạt dào sóng nước.

Hát Trống Quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du của Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra. Hát Trống Quân phổ biến ở Bắc Bộ thường được tổ chức vào nhựng tuần trăng tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc. Hát trống Quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm