Cập nhật: 17/05/2017 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát ngôn của Hương Giang Idol đã gióng lên thực trạng về việc nhiều nghệ sĩ nói năng không kiểm soát, vô văn hóa trên game show.

Mới đây, vụ việc ca sĩ Hương Giang Idol có phát ngôn xúc phạm nghệ sĩ đàn anh Trung Dân trong game show truyền hình”Siêu sao đoán chữ” do Công ty truyền thông Đông Tây sản xuất, đã tạo ra một cú sốc lớn không chỉ đối với người trong cuộc mà còn khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ. Tình trạng nhiều nghệ sĩ nói năng không kiểm soát, vô văn hóa đang trở nên phổ biến ở các gameshow.

Diễn viên  Aly Dũng, người từng vào vai trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng như : Biệt động Sài Gòn, Tình yêu còn mãi… sau 41 năm làm nghệ thuật đã trải lòng: “Trước Hương Giang cũng đã có rồi, trong quá trình tôi đi làm nghề  tôi cũng có gặp chứ không riêng gì anh Trung Dân đâu. Tôi gặp nhiều lắm và chỉ biết buồn thôi chứ có dám nói với ai đâu. Sẵn dịp này có một lời khuyên cho giới trẻ cũng nên đối xử với người lớn tuổi chừng mực một chút chứ đừng có những phát ngôn thiếu suy nghĩ làm buồn lòng tội nghiệp người ta lắm”.

 Tiếc thay, điều này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của một cuộc giao tiếp trong cuộc sống đời thường mà đã xuất hiện khá phổ biến  trên truyền hình. Chưa bao giờ các game show truyền hình lại bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay. Có thể kể đến một loạt chương trình như: Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Đấu trường tiếu lâm, Vietnam’s got talent, Đàn ông phải thế, Song đấu, Siêu sao đoán chữ, Đệ nhất danh hài Việt,  Gương mặt thương hiệu Việt, Giọng ải giọng ai…

Sự cố của Hương Giang Idol là lời cảnh tỉnh cho việc phát ngôn của nghệ sỹ trên gameshow truyền hình.

Ngoài yếu tố giải trí, không biết từ bao giờ lối nói năng tự nhiên như thể ở chốn không người, những cách "buôn, tám" giữa bạn bè với nhau lại được mang lên đại chúng một cách dễ dãi. Nhiều nghệ sĩ cố chọc cười bằng những màn gây gổ, chửi có vần điệu theo kiểu chợ búa,  phát ngôn thiếu văn hóa,  thô tục, phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự và nhân phẩm gây bức xúc trong dư luận.

Độc giả Thu Anh cho biết  “Có những gameshow sử dụng ngôn ngữ hơi chợ búa một chút để chặt chém nhau. Mình xem cảm thấy không thích tí nào, đặc biệt nhà có 2 thằng nhỏ, tụi nhỏ xem và nhiều khi hỏi tôi: “Cô ấy nói vậy là ý sao hả mẹ?”, mình thực sự không biết giải thích như thế nào. “Giọng ải giọng ai” lâu lâu cũng có những chi tiết như vậy, ở nhà tôi rất hay xem chương trình đó”.

 

Gameshow tràn lan trên sóng truyền hình.

Còn theo bà Thanh Thủy, phụ trách sản xuất nhiều gameshow của Công ty BHD, việc đưa ngôn ngữ đời thường vào trong gameshow mục đích để phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, tạo sự tương tác, gần gủi thoải mái giữa chương trình và người xem. Tuy nhiên, “Tất cả các chương trình đều cố gắng làm nghiêm túc, có hài thật nhưng cố gắng để ở mức độ vừa phải thôi chứ không để những phát ngôn quá lố, ngay trong quá trình quay hay trong quá trình biên tập mà thấy cũng phải bỏ ngay”

Nghệ sĩ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng. Mỗi lời nói, hành vi của họ có tác động và làm nhiều người bắt chước theo cả tốt lẫn xấu. Tiếc thay, cái xấu, cái dễ dãi, vô văn hóa, xa rời thuần phong mỹ tục đang có xu hướng phổ biến, có nguy cơ trở thành trào lưu. Để giảm bớt, chấm dứt hiện tượng này các cơ quan truyền thông, truyền hình cũng không thể đứng ngoài cuộc./.

 

Theo Thanh Thanh/VOV.VN

Tệp đính kèm