"Với số lượng hàng vạn ca khúc trước 1975, việc lâu lâu lại cấp phép vài bài chẳng khác gì nước đổ xuống biển".
Quyết định cấp phép 10 ca khúc ra đời trước 1975 trong đó có nhạc phẩm nổi tiếng "Còn thương rau đắng mọc sau hè" (tác giả Bắc Sơn), của Cục NTBD một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.
Ca sĩ Hạ Châu, con gái của nhạc sĩ Bắc Sơn, tác giả "Còn thương rau đắng mọc sau hè" chia sẻ, chị khá bất ngờ khi biết thông tin về việc ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” vừa mới được cấp phép.
Nhạc sĩ Bắc Sơn viết ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" năm 1973.
Theo ca sĩ Hạ Châu, ca khúc này ra đời năm 1973. “Hơn 40 năm qua, ca khúc vẫn được đông đảo công chúng đón nhận và lưu hành, phổ biến. Gia đình chúng tôi không biết là ca khúc chưa từng được cấp phép phổ biến. Bởi vậy, khi có thông tin “Còn thương rau đắng mọc sau hè” cùng 9 ca khúc trước 1975 vừa mới được Cục NTBD cấp phép, chúng tôi rất bất ngờ”.
Nghệ sĩ Hạ Châu cho biết thêm: “Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" được ba tôi sáng tác làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình "Bếp lửa ấm". Người trình bày bài hát đầu tiên là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau này, Hương Lan ghi âm ca khúc ở Pháp, góp phần giúp nhạc phẩm trở nên nổi tiếng. Nhiều thế hệ ca sĩ như Cẩm Ly, Tố Ny, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi... thể hiện ca khúc này. Theo đánh giá của mọi người, đây là nhạc phẩm mộc mạc, đậm chất miền Tây Nam bộ”.
Theo nhà báo Phan Phương, Trung tâm quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam, ngày 14/4/2005, gia đình nhạc sĩ Bắc Sơn làm hồ sơ uỷ quyền cho đơn vị này khai thác quyền tác giả đối với 10 ca khúc của ông, trong đó có “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.
Liên quan đến việc cấp phép các ca khúc ra đời trước 1975, nhà báo Phan Phương cho hay: “Việc Cục NTBD “bỗng nhiên” cấp phép đối với những ca khúc đã trở nên nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi là việc làm không cần thiết. Với số lượng hàng vạn ca khúc trước 1975 mà lâu lâu lại cấp phép một vài bài thì chẳng khác nào việc rót nước xuống biển”.
Nhạc sĩ Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê, sinh năm 1932 tại Phước Lộc, Long Thành, Đồng Nai. Ông mất năm 2005. Ông đã viết khoảng 500 ca khúc nhạc nhẹ, âm hưởng dân ca và 100 vở kịch nói. Ông ghi dấu với những bài hát như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Sa mưa giông, Em đi trên cỏ non, Tháng mấy anh về, Gió đưa bông sậy, Còn thương góc bếp chái hè, Con sáo sậu...
Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" và bút tích của nhạc sĩ Bắc Sơn.
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Bắc Sơn còn tham gia diễn xuất. Ông góp mặt trong khoảng 60 bộ phim. Một số vai của ông được khán giả yêu mến như Sĩ (phim Xa và gần), Năm Ngưu (phim Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (phim Người tìm vàng), ông Tư (phim Con chó nghèo).... Ông đoạt giải "Diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 9 với vai Năm Ngưu. Ông còn là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.
Ngoài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, còn có 9 ca khúc trước1975 cũng vừa mới được Cục NTBD cấp phép như: Xa người mình yêu (Song Phượng), Những chuyến xe trong cuộc đời (Hoài Linh), Con đường mang tên em (Trúc Phương), Tình nghèo có nhau (Đài Phương Trang), Giã từ cố đô (Phạm Mạnh Cương), Tôi bước vào yêu (Trúc Bạch - Hoàng Sơn), Vỹ Dạ đò trăng (Canh Thân), Lại nhớ người yêu (Giao Tiên), Xa người mình yêu (Song Phượng)./.
Theo Đào Bích/VOV.VN