Trước mối đe dọa nguy cơ khủng bố, các tổ chức quốc tế và nhiều nước đã tăng cường biện pháp an ninh nhằm ngăn ngừa, loại trừ chủ nghĩa khủng bố và các tổ chức khủng bố.
HĐBA LHQ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công liều chết ở Manchester.
Ngày 24/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2354 về chống khủng bố.
Nghị quyết 2354 nhấn mạnh khủng bố dưới mọi hình thức đều là mối đe dọa nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Tất cả các hành vi khủng bố đều là tội phạm, bất kể vì động cơ gì và do ai thực hiện.
Nghị quyết 2354 kêu gọi các nước thành viên và toàn bộ hệ thống LHQ áp dụng biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết các nguyên nhân thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố. Trong đó cần áp dụng các biện pháp phòng chống những hoạt động bạo lực cực đoan.
Nghị quyết cho rằng trong cuộc chiến chống khủng bố, các phương tiện truyền thông, tổ chức tôn giáo, cơ quan giáo dục… đóng vai trò quan trọng, có thể góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa khủng bố.
Nghị quyết kêu gọi thúc đẩy các hoạt động đấu tranh với những tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, các hoạt động tuyển mộ, tuyên truyền và tấn công khủng bố của chúng.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên NATO tăng cường hỗ trợ liên minh chống khủng bố toàn cầu.
Chống chủ nghĩa khủng bố sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức trong ngày 24-25/5 tại Brussels, Bỉ.
Cũng trong ngày 24/5, nhân chuyến thăm Bỉ, trong cuộc gặp Thủ tướng Bỉ, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hai nước cần phải nỗ lực giành chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế.
Ngày 24/5, Anh bắt đầu triển khai quân đội để bảo vệ những địa điểm quan trọng. Ảnh: BBC
Tại Anh, sau vụ tấn công liều chết ở Manchester (tối 22/5), ngày 24/5, Chính phủ Anh đã triển khai quân đội tại các địa điểm quan trọng như Điện Buckingham, tòa nhà Chính phủ ở phố Downing, các đại sứ quán và Điện Westminster để ngăn chặn các cuộc tấn công sau khi báo động khủng bố được nâng lên mức cao nhất.
Trước đó, ngày 23/5, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất - "nghiêm trọng" - nghĩa là một cuộc tấn công có thể xảy ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
Tại Nhật Bản, ngày 24/5, Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide cho biết Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về khủng bố tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Italy cuối tuần này.
Trước đó, ngày 23/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật nhằm trấn áp những đối tượng lên kế hoạch khủng bố và các tội phạm có tổ chức khác.
Dự luật cho phép các nhà điều tra buộc tội một cá nhân hoặc tổ chức dính líu đến hoạt động khủng bố hoặc các tội phạm nghiêm trọng khác. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng dự luật này là cần thiết để ngăn chặn các hoạt động khủng bố trong bối cảnh Nhật Bản đăng cai Olympic 2020.
Theo Thanh Xuân/Chinhphu.vn