Cập nhật: 02/06/2017 14:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại diện Hiệp hội thép cho rằng không nên khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thép thông thường mà Việt Nam vẫn đang sản xuất được.

Liên quan đến thông tin một số nhà đầu tư Trung Quốc muốn xin cấp phép xây dựng nhà máy thép ở Việt Nam, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin, hiện các nhà đầu tư Trung Quốc đang muốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép không rỉ ở Đồng Nai với sản lượng 300.000 tấn/năm.

Ông Sưa cũng cho biết, nhu cầu thép không rỉ ở nước ta đang tăng lên nhanh, hàng năm phải nhập khẩu nhiều, riêng năm 2016 phải nhập khẩu 700.000 tấn, trong đó xuất khẩu đi 100.000 tấn. Trong khi thép không rỉ sản xuất trong nước mới chỉ có 2 đơn vị chính là Nhà máy VSC-POSCO (VPS) ở miền Nam 100% vốn Hàn Quốc và Inox Hòa Bình với tổng công suất 2 nhà máy 300.000 tấn/năm.

 

Sản xuất thép không rỉ cán nguội tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

“Tuy nhiên, với kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn giữa các nhà sản xuất tại Việt Nam với nhau”, ông Sưa bày tỏ quan điểm và giải thích rằng, số lượng thép không rỉ sản xuất trong nước hiện nay đã bao gồm nhiều chủng loại (phần lớn ở dạng tấm cuộn). Do đó, nếu đầu tư thêm năng lực sản xuất thép không rỉ khoảng 300.000 tấn sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn .

Trong khi năng lực của ngành thép không rỉ của Việt Nam đang sản xuất 4 loại chính là thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép ống hàn, tôn mạ. Các nhà máy sản xuất các loại thép này cho đến nay mới đang hoạt động khoảng trên dưới 70% công suất, còn dư khoảng 30% chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ thép nội địa cũng như khả năng xuất khẩu sang các nước.

Cùng với đó, ngành công nghiệp thép Việt Nam đến nay đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng với sản xuất hơn 17 triệu tấn thép/năm, tiêu thụ lên tới 22,6 triệu tấn. Như vậy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam đã vươn lên vị trí hàng đầu của các nước ASEAN, mức tiêu thụ thép đứng thứ 10 thế giới.

“Với sự phát triển của ngành thép Việt Nam, đến nay các nhà đầu tư trong nước có đủ khả năng để xây dựng cơ sở sản xuất thép với quy mô lớn 5-6 triệu tấn/năm. Do vậy, không nên khuyến khích FDI đầu tư vào những mảng sản xuất thép thông thường mà Việt Nam có thể sản xuất được. Chỉ khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực thép Việt Nam chưa sản xuất được, đó là thép hợp kim chất lượng cao để phục vụ sản xuất cơ khí, kỹ thuật có yêu cầu cao”, ông Sưa khuyến cáo./.

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm