U nang buồng trứng có nhiều ảnh hưởng không tốt đến thai nghén và ngược lại, tình trạng thai nghén cũng ảnh hưởng đến sự tiến triển của u.
U nang buồng trứng có nhiều ảnh hưởng không tốt đến thai nghén và ngược lại, tình trạng thai nghén cũng ảnh hưởng đến sự tiến triển của u. Vì vậy, thai phụ cần phát hiện u sớm để đề phòng biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
U nang buồng trứng là loại u buồng trứng dạng nang. Trên lâm sàng gặp 3 loại nang: Nang nước nếu dịch chứa trong nang loãng như nước; Nang nhầy nếu dịch chứa trong nang là loại dịch sánh, đặc hơn và trong lòng nang có các vách chia nang ra thành nhiều thùy khác nhau; Nang bì nếu dịch chứa trong nang là một chất dịch màu trắng đục, không thuần nhất, hơi sánh đặc, ngoài ra trong nang còn chứa tóc, răng hay mảnh xương. Ngoài các nang thực thể trên còn có nang cơ năng là các nang nước loại nhỏ, đường kính từ 5cm trở xuống có thể tự mất đi sau một vài vòng kinh; và buồng trứng dạng nang là trường hợp lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, các tế bào của nội mạc tử cung lạc vào buồng trứng phát triển rồi bong ra qua mỗi chu kỳ, tạo thành một ổ chứa máu đen, sánh đặc. Trong trường hợp này buồng trứng to lên như có nang dính với các tạng lân cận và đau bụng kinh.Hình ảnh u nang buồng trứng.
Hình ảnh u nang buồng trứng.
Ảnh hưởng của nang buồng trứng tới thai kỳ
Ở độ tuổi sinh đẻ, bình thường mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có một nang trứng chín (đường kính khoảng 20mm) nó tự vỡ để giải phóng noãn bào (được gọi là phóng noãn hay là rụng trứng). Noãn bào được hút vào vòi tử cung (còn gọi là vòi trứng), nếu gặp tinh trùng sẽ kết hợp với nhau (gọi là thụ tinh) rồi phát triển thành thai nhi. Phần còn lại của nang trứng sẽ nhỏ lại, gọi là hoàng thể. Hoàng thể tiết ra progesteron giúp phôi thai phát triển trong ba tháng đầu.
Việc buồng trứng bị thay đổi về cấu trúc mô học sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản cũng như sinh lý bình thường của người phụ nữ. Nếu một bên buồng trứng bị bệnh thì bên lành có thể thay thế hoàn toàn cho nó. Ngay cả khi một buồng trứng bị bệnh, nếu như tổ chức của nó chưa bị phá hủy hoàn toàn thì ở những phần còn lành, các nang noãn vẫn có thể phát triển nên bệnh nhân vẫn có kinh nguyệt và mang thai.
U thường không gây triệu chứng gì đặc biệt nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, ở phụ nữ có thai, u nang buồng trứng lại là vấn đề đáng được quan tâm.
U nang buồng trứng gây vô sinh khi tổ chức buồng trứng bị hủy hoại hoàn toàn, không còn tế bào lành để phát triển thành nang trội. Có thể còn một số nang noãn nhưng phát triển không đầy đủ nên không phóng noãn được. Nếu buồng trứng vẫn còn một phần tổ chức lành thì vẫn có thể phóng noãn, nhưng u nang quá to sẽ chèn ép vòi tử cung, ngăn noãn bào và tinh trùng gặp nhau, gây vô sinh.
Một số trường hợp bệnh nhân vẫn có thai, nhưng do buồng trứng bị bệnh nên hoàng thể phát triển không tốt, gây sẩy thai. Nếu u to sẽ chèn ép vào tử cung, sẽ kích thích tử cung co bóp và cũng gây sẩy.
Ở nhiều trường hợp, u nang tuy lớn nhưng thai vẫn phát triển bình thường ở hai quý đầu; nhưng sang quý 3, thai đã lớn làm cho tử cung to ra nên khối u gây chèn ép, kích thích tử cung co bóp nhiều, khiến thai bị tống ra ngoài sớm.
U nang buồng trứng còn cản trở thai nhi bình chỉnh trong tử cung. Thông thường đến tháng thứ 7 hay thứ 8, đầu thai nhi phải quay xuống dưới để dễ ra ngoài khi sinh. Nếu u lớn, nó có thể chèn vào tử cung, ép tử cung vào thành bụng khiến thai nhi không thể quay đầu được, gây đẻ khó. Trong khi chuyển dạ, nếu khối u có đường kính khoảng 10cm và nằm trong tiểu khung, nó sẽ không cho thai tiến vào lòng tiểu khung để ra ngoài, phải mổ lấy thai.
Tình trạng thai nghén cũng ảnh hưởng không tốt đến u nang buồng trứng. Khi không có thai, khối u thường nằm trong lòng tiểu khung; nhưng khi có thai, tử cung lớn dần đã đẩy khối u vào trong ổ bụng. Ruột di động làm cho khối u bị xoắn, gây nên bệnh cảnh cấp cứu ngoại khoa, cần mổ gấp.
Khi có thai, triệu chứng u nang buồng trứng xoắn khó chẩn đoán hơn. Khi mổ cấp, tử cung bị kích thích dễ gây sẩy thai hoặc đẻ non. Sau khi sinh, tử cung thu nhỏ lại, ổ bụng rộng rãi, khối u di động nhiều nên cũng dễ bị xoắn và phải mổ cấp cứu.
Điều trị thế nào?
Khi bị u nang buồng trứng cần phải phẫu thuật lấy khối u ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Nhưng đối với phụ nữ mang thai có khối u buồng trứng, nếu xảy ra vào 3 tháng đầu các bác sĩ thường chỉ định theo dõi chặt chẽ và chờ hết 3 tháng đầu mới thực hiện phẫu thuật để tránh gây sẩy thai. Nếu u buồng trứng được phát hiện vào 3 tháng cuối thì thường chờ đến sau sinh mới thực hiện phẫu thuật. Trong quá trình theo dõi, xét nghiệm đánh giá, siêu âm nếu thấy khối u lớn nhanh, nghi ngờ thoái hoá ác tính thì phải thực hiện phẫu thuật ngay để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người mẹ.
Thai phụ cần lưu ý: Khi có thai, phải khám ngay từ tháng đầu tiên để được xét nghiệm, trong đó có siêu âm phát hiện u buồng trứng để được theo dõi, điều trị thích hợp. Nếu khám phát hiện muộn sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và sức khỏe người mẹ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phải nhớ rằng chẩn đoán u nang buồng trứng trong khi có thai nhiều khi khó khăn, thường bị nhầm với dọa sẩy hay đẻ non. Khi có chẩn đoán chính xác thì thường đã muộn, việc xử trí nhiều khi chậm trễ, để lại những hậu quả không tốt cho thai nghén. Vì vậy những chị em hay đau bụng kinh (thống kinh) trước khi quyết định mang thai chị em nên đi khám siêu âm xem có u nang thì xử lý ngay. Trong khi có thai hoặc sau đẻ, nếu đau bụng thì phải đi khám ngay để nếu u bị xoắn thì được xử trí đúng đắn và kịp thời.
Theo BS. Nguyễn Kim Dung
suckhoedoisong.vn