Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE với Qatar khởi phát từ hôm 5/6 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng.
Các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE cho rằng Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực. Ngày 5/6, bốn nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Sau đó, một số nước khác (Yemen, Libya, Maldives) cũng có động thái tương tự.
Cuộc “khủng hoảng ngoại giao” này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Ngày 8/6, tại Cairo, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Bahrain Al-Khalifa đã không đưa ra tín hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp và vẫn tiếp tục gây áp lực lên Qatar, theo TTXVN.
Trước đó, tại Saudi Arabia, Quốc vương Bahrain cho rằng Bahrain không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước.
Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Chad đã triệu hồi Đại sứ Chad tại Qatar để tham vấn về vấn đề liên quan.
Bộ Ngoại giao Chad cho biết Chính phủ Chad kêu gọi tất cả các nước liên quan ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng này và yêu cầu Qatar tôn trọng các cam kết của mình bằng cách chấm dứt thái độ làm phương hại tới sự đoàn kết của các quốc gia trong khu vực và hòa bình trên thế giới.
Chad là quốc gia châu Phi mới nhất bày tỏ ủng hộ quan điểm của Saudi Arabia. Trước đó, Senegal đã triệu hồi Đại sứ tại Qatar, trong khi Gabon lên án chính quyền Qatar. Quốc đảo Comoros cũng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và Djibouti đã hạ cấp cơ quan đại diện ngoại giao tại Qatar.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 6/6, trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định lập trường của Nga là cuộc khủng hoảng cần phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Phản ứng về động thái của các nước nói trên, Qatar đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đang đe dọa sự ổn định của toàn khu vực.
Qatar khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao và nhấn mạnh giải pháp quân sự sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề.
Về “nguồn cơn” vụ việc, ngày 8/6, các nhà điều tra Qatar cho biết nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay là do một vụ tấn công mạng gài thông tin "giả" đã được chuẩn bị từ tháng 4 và đến ngày 24/5 mới bị phát hiện.
Theo nhóm điều tra, các tin tặc đã lợi dụng kẽ hở trên trang web của Hãng thông tấn của Qatar để thực hiện vụ tấn công.
Cụ thể, tin tặc đã đăng tải “lời chỉ trích một số nhà lãnh đạo của các quốc gia Arab vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran” của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani.
Theo Văn Ba/Chinhphu.vn