Ảnh minh họa. (Nguồn: moneyweb.co.za)
Theo báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 12/6, kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc hơn dù chưa chắc chắn.
Báo cáo trên cho biết sự cải thiện theo chu kỳ vẫn đứng ở mức khiêm tốn, chưa đủ mạnh để cải thiện tăng trưởng kinh tế một cách lâu dài và giảm bớt các bất bình đẳng đang tồn tại dai dẳng. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,5% năm 2017 và 3,6% năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn nhiều so với mức 3% năm 2016. Đối với từng nền kinh tế cụ thể, OECD đã hạ dự báo của tăng trưởng của Mỹ từ 2,4% xuống còn 2,1% trong năm 2017, sau khi nền kinh tế số một thế giới này đạt mức “tăng trưởng yếu trong quý 1/2017."
Tăng trưởng của Mỹ năm 2018 cũng được dự báo giảm còn 2,4%, so với dự báo 2,8% đưa ra hồi tháng 3 vừa qua. Trung Quốc cũng được dự báo tăng mức tăng trưởng đạt 6,6% năm 2017 và 6,4% năm 2018, trong khi Ấn Độ giữ được đà tăng trưởng liên tục 7,3% trong năm 2017 và 7,7% năm 2018. Nhật Bản được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 1,4% năm 2017 và 1,0% năm 2018.
Tại Khu vực đồng Euro (Eurozone), kinh tế cũng sẽ phục hồi với mức tăng trưởng nhẹ, đạt 1,8% năm 2017 và 2018, so với 1,7% năm 2016, tăng hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 3 vừa qua. Đức giữ vai trò đầu tàu của kinh tế châu Âu với mức tăng trưởng 2%, gia tăng khoảng cách với Pháp khi OECD đã hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế này xuống chỉ còn 1,3% cho năm 2017 và 1,5% cho năm 2018. Tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế Anh tiếp tục chững lại do tác động quá trình Brexit, với tăng trưởng 1,6% năm 2017, so với 1,8% của năm 2016 và 1,0% năm 2018. Đối với Brazil, quốc gia Mỹ Latinh này đã khẳng định họ có thể thoát cuộc suy thoái kinh tế với mức dự báo tăng trưởng 0,7% năm 2017 và 1,6% năm 2018.
OECD có thể vẫn phải điều chỉnh các dự báo do các cú “sốc” về địa chính trị và việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Đặc biệt trong số những nguy cơ tiềm ẩn khác, OECD đã chỉ ra “ đầu máy” kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chạy chậm lại. Được hoạch định bởi hàng loạt các kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng, chính sách tiền tệ và ngân sách, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã và đang hỗ trợ sự tăng trưởng toàn cầu nhưng hiện nay các khoản nợ, nhất là nợ công, đang ngày càng cao và khó kiểm soát.
Theo OECD thời gian qua kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu cải thiện: đầu tư, thương mại cũng như công nghiệp thế giới đều có bước nhảy vọt; niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng được khôi phục; triển vọng sáng sủa đối với hầu hết các nước sản xuất nguyên liệu nhờ được hưởng giá dầu và nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn đưa ra cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể lạc quan và tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đứng dưới mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và dưới tốc độ cần thiết để thoát ra khỏi “bẫy” tăng trưởng trung bình.
Theo báo cáo trên, các “điểm đen” vẫn xuất hiện nhiều trên phạm vi toàn thế giới như bất ổn chính trị gia tăng; lực lượng lao động già, các bất bình đẳng về lợi ích, mất cân đối giữa nguồn cung và cầu; xuất hiện ngày càng nhiều yếu tố tiềm ẩn dễ bị tổn thương trên thị trường tài chính quốc tế.
Theo VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/oecd-du-bao-trien-vong-phat-trien-kinh-te-toan-cau-nam-2017/451128.vnp