Cập nhật: 14/06/2017 15:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Âm nhạc Tây Nguyên gắn bó chặt chẽ với đời sống cộng đồng nên có thể chia thành 2 loại: Âm nhạc dùng cho nghi lễ và âm nhạc cho sinh hoạt. Những năm gần đây, các lễ nghi tôn giáo thực hành đa thần ở Tây Nguyên đã bị mai một do nhiều nguyên nhân, dẫn đến âm nhạc dùng cho các lễ thức cũng dần phôi pha, dẫu đã từng rất đa dạng và phong phú.

Nhạc cụ quan trọng nhất phục vụ cho thực hành tín ngưỡng, mà không một dân tộc thiểu số nào cư trú trên dãy Trường Sơn-Tây Nguyên không có, là các bộ ching chêng, chưng gong. Ít thì chỉ 1 chiếc như của tộc người Triêng, hoặc gồm 2 chiếc như bộ ching Tha của người Brâu ở Kon Tum, nhiều như dàn ching Arap Jrai, chêng Xoh xơh Bahnar có 8-14 chiếc...Vừa vừa 6 chiếc như chưng Bo của tộc người M’Nông, 10 chiếc như ching Knah của người Ê Đê…

 

Ảnh: Đức Thụy

Đây chính là phương tiện để thông báo, mời gọi các vị thần linh về chứng kiến một việc cần cầu xin hay một sự báo đáp. Ching, trống cũng bao hàm cả sự thông tin cho cộng đồng về một sự việc sẽ diễn ra ở một gia đình, một buôn, bon, kon, plei... nào đó. Mỗi chiếc ching, tùy theo tộc người và vùng miền, đều có một tên gọi riêng.

Trước khi có các dàn ching đồng đã có những chiếc ching đá chỉ được đánh lên khi có những lễ cúng thật lớn của cộng đồng. Nếu đánh không có nguyên do, sẽ gây nên mưa giông, bão, lũ. “Bộ đàn đá” mà giáo sư người Pháp Comdominas tìm thấy ở huyện Lak (tỉnh Đak Lak), được thế giới coi là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người, cũng chính là một trong những bộ ching đá ấy. Người Ê Đê còn dùng bộ ching tre cho thanh-thiếu niên có năng khiếu luyện tập, đến khi cần có thể ngồi vào dàn ching đồng thay thế các bậc cao niên.

Vì là phương tiện giao lưu với các vị thần, nên có nhiều sự kiêng kỵ phải chú trọng. Trước đây, muốn lấy bộ ching chưng ra sử dụng, người M’Nông phải rảy rượu lên mặt chưng và có lời xin phép “thần chưng”. Người Ê Đê thì kiêng không đánh ching trong nhà nếu không có lễ cúng gì diễn ra.

Một nhạc cụ khác không thể thiếu trong lễ nghi là những chiếc trống cái h’gơr, s’gơr… điều khiển sự ngừng nghỉ và nhịp điệu nhanh chậm của cả dàn ching chêng, có thể để một chỗ trên ghế kpan như người Ê Đê, hay đeo vai theo nhịp vòng quanh cây nêu như trống Jrai, Sê Đăng hoặc vừa nhảy vừa vỗ hai đầu như trống nhỏ Chăm Hroaih, Mạ…

Ngoài ra còn có một số nhạc cụ khác dùng trong lễ nghi là những chiếc tù và bằng sừng trâu, sừng dê ky pah, t’diep, nung lok, nung pri yơ… mang tính kêu gọi, tập hợp, hiệu lệnh chiến đấu, khởi lệnh săn, đua voi hay truyền đi một thông tin quan trọng.

Người M’Nnông còn sử dụng một loại nhạc cụ khác trong những lễ có ăn trâu, là chiếc kèn rlét, chỉ gồm một quả bầu nhỏ và hai ống nứa một nhỏ dài và một ngắn to, dùng thổi trước và sau câu khẩn cầu các Yang.

Hay cây kèn đinh năm sáu ống và một trái bầu, sáo đinh puốt chok như lời khóc than tiếc thương..., kèn đinh tút do những người phụ nữ thổi như những lời thủ thỉ tâm tình, trước đây chỉ được dùng khi có đám ma của người Ê Đê.

Bộ kèn đinh tút 6 ống nứa của người Jẻ và Triêng cũng chỉ được dùng trong những cuộc lễ lớn của cả cộng đồng và khi tấu, theo tập quán, những người đàn ông phải khoác tấm choàng như phụ nữ mặc váy…

Âm nhạc dân gian phục vụ nghi lễ, còn phải kể tới các bài cúng khấn thần, các bộ luật tục phân xử những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng, đều có vần, có giai điệu và tiết tấu. Thậm chí được trình bày một cách ngẫu hứng theo đúng nội dung của lễ thức.

Tất cả những nhạc cụ nêu trên, tuy chế tác đơn giản bằng tre nứa, đá nhưng làm nên âm thanh đặc biệt, giai điệu và tiết tấu mang lại cho các lễ thức gắn với quy trình sản xuất và vòng đời con người Tây Nguyên một đặc trưng riêng, không kém phần độc đáo.

  

Sưu tầm

Tệp đính kèm