Việc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản được thành lập cho thấy Bộ NN&PTNT muốn rốt ráo giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản trong nước.
Ngành nông nghiệp có đơn vị chuyên trách thị trường
Từ đầu năm đến nay, thị trường nông sản trong nước đã chứng kiến liên tiếp tình trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm “nghẽn” đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc giải cứu nối tiếp nhau: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi) và cuộc “khủng hoảng” thừa thịt lợn lan rộng…
Theo chuyên gia kinh tế nông nghiệp Đặng Kim Sơn, chúng ta vẫn chưa xử lý được tận gốc vấn đề. Các biện pháp được sử dụng để bình ổn thị trường thường mang tính ngắn hạn.
"Bước vào giai đoạn xây dựng cơ chế thị trường hiện đại nhưng chúng ta vẫn quá nặng về mục tiêu làm thế nào đảm bảo tăng trưởng kinh tế, làm thế nào để phát triển sản xuất, tóm lại là chỉ lo phát triển lượng cung”, ông Đặng Kim Sơn nói.
Điều này thể hiện ở ngay trong cơ cấu bộ máy tổ chức. Bộ NN&PTNT cũng như các bộ kinh tế khác, hầu hết các cục, vụ, viện lo quản lý, thúc đẩy khâu sản xuất, nhưng chỉ có rất ít đơn vị lo việc bán hàng, phát triển thị trường, hầu như không có ai nghiên cứu thị trường.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt với 11 nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm…) có năng suất dẫn đầu thế giới nhưng khâu chế biến và tiêu thụ còn rất yếu.
Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã cho phép Bộ NN&PTNT thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, hiện ngành mới chỉ làm tốt khâu sản xuất, hai khâu còn lại là chế biến và phát triển thị trường còn yếu kém.
Đối với ngành lợn, chế biến cách xa với sản xuất, khâu liên kết trong sản xuất chỉ đạt 20% ở khâu nuôi, còn khâu chế biến có thể nói là kém nhất trong các ngành hàng. Số lượng doanh nghiệp chế biến chỉ đếm trên đầu ngón tay làm cho khâu tiêu thụ hiện nay vẫn trên 90% theo kiểu truyền thống.
Phần lớn các sản phẩm phải giải cứu đều thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, không liên kết theo chuỗi. Vì thế tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường là yêu cầu cấp thiết.
Trước tình hình trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ NN&PTNT) ra đời với tư cách là cơ quan chuyên trách lo đầu ra các sản phẩm nông sản.
Đơn vị này sẽ thực hiện điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Trong việc phát triển thị trường trong nước, Cục có nhiệm vụ trình Bộ trưởng cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, đề án, dự án phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; thực hiện theo dõi, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình thị trường, tiêu thụ hàng nông sản trong nước.
Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường nông sản quốc tế, Cục sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo và tổng hợp báo cáo về tình hình thị trường nông sản quốc tế theo ngành hàng và theo khu vực thị trường; hướng dẫn chính sách thị trường nông sản, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu nông sản. Cục cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu môi trường và cơ hội kinh doanh nông sản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đơn vị này là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thương mại, trao đổi hàng hóa qua biên giới, khu kinh tế cửa khẩu đối với hàng hóa nông sản.
Việc ra mắt đơn vị mới này được nhiều chuyên gia đánh giá là động thái mang tính đột phá của Bộ NN&PTNT khi từ bước nhận diện khâu yếu trong cơ cấu, chính sách, Bộ đã thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng dài hạn, bền vững.
Theo Thanh Thu/Chinhphu.vn