Dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố nên cần có nhiều giải pháp bền vững.
Tình hình xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 5 đang duy trì mức tăng trưởng cao với kim ngạch ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 22 tỷ USD, tăng 13,6%; khối doanh nghiệp FDI ước đạt 57,24 tỷ USD (tính cả dầu thô) tăng 19% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá đã tạo ra điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Điều này được thể hiện rõ trong kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng đã tăng trưởng trở lại, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng…
Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
(Ảnh minh họa: KT)
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - ông Lê Quốc Phương nhận xét, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua có sự đóng góp rất lớn từ sự tăng trưởng của mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả 4 mặt hàng bao gồm than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương. Về lượng, các mặt hàng công nghiệp chế biến và nhiên liệu, khoáng sản tăng mạnh.
Còn theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6,3% thì 5 tháng đầu năm 2017 kim ngạch tăng hơn 2 lần. Đây là mức tăng trưởng cao với 3 nhóm hàng gồm nông sản, thủy sản; nhiên liệu khoáng sản; công nghiệp chế biến đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt.
Có một điều đáng chú ý là, trong khi kim ngạch xuất khẩu 5 tháng là những con số khá khả quan, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước.
Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc xuất khẩu hầu hết các ngành hàng chủ lực và gần như chiếm tỉ trọng tuyệt đối ở những ngành hàng công nghệ cao như điện thoại, máy tính…
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện của cả nước đến hết tháng 5 đạt 16,28 tỷ USD, nhưng khu vực FDI đã có đóng góp tới 16,22 tỷ USD, tương đương tỉ trọng 99,6%. Cùng với đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của khu vực này cũng chiếm tỉ trọng đến 97% trong tổng trị giá kim ngạch 9,383 tỷ USD.
Đáng kể hơn là trong số 18 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị trên 1 tỷ USD, tính hết tháng 5, các doanh nghiệp nước ngoài góp mặt ở 11 nhóm hàng trọng điểm, loại trừ những nhóm hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả… Từ đó có thể thấy, khối doanh nghiệp FDI vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng: “Khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu có mức giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp trong nước là bằng chứng cho thấy, đa số sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước là hàng gia công và nguyên liệu thô và rất ít có được sản phẩm của công nghệ chế biến, chế tạo”.
Nếu chỉ căn cứ vào thực tế xuất khẩu 5 tháng đầu năm, nhiều người có thể tin tưởng vào khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tăng 6-7% so với năm 2016. Đó là chưa kể theo thông lệ những tháng cuối năm sẽ là thời điểm xuất khẩu bước vào giai đoạn “tăng tốc”.
Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay vẫn thường diễn ra, đó là xuất khẩu của Việt Nam luôn bị động và phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chỉ cần một biến động nhỏ từ thị trường nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ chuyển qua tình thế khác.
Bởi vì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dù có tăng nhanh qua từng thời kỳ nhưng chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên có sẵn, phụ thuộc vào gia công và chính sách của thị trường nhập khẩu nên giá trị gia tăng không cao. Vì thế, yếu tố bền vững vẫn là vấn đề cần phải được tính đến.
Quan trọng hơn, để đảm bảo tính cân bằng, bền vững trong xuất khẩu, nhà nước cần tạo lực đẩy đồng bộ, tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, kết nối được với doanh nghiệp FDI.
Cụ thể là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. “Nếu khai thác tốt, FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột, nền tảng để Việt Nam nương theo, bám vào, phát triển tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Phạm Chi Lan khuyến cáo.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN