Cập nhật: 28/06/2017 15:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một loạt cải cách về cơ sở vật chất, năng suất, chất lượng, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, định vị thị trường… giúp làng nghề chế tác đá Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vượt qua khủng hoảng và đạt được những bước tiến dài về phát triển kinh tế địa phương.

Hình thành từ những năm 30 của thế kỷ XX, đá mỹ nghệ Hải Lựu trở thành một thương hiệu nổi tiếng và được ưa chuộng khắp các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, những điểm yếu của làng nghề Hải Lựu đã dần bộc lộ. Sức cạnh tranh yếu, thị trường bị thu hẹp, thu nhập từ nghề giảm sút, đẩy người dân vào thế vô cùng khó khăn.

Gian nan vượt khó

Ông Hà Văn Thư - Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, chia sẻ: “Kể từ sau năm 2005, nghề đá tại Hải Lựu dần lâm vào tình thế khó khăn. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, mặt bằng sản xuất thiếu thốn khiến làng nghề không thể theo kịp sự phát triển của thị trường. Thiếu thông tin về thị trường, mẫu mã, giá cả, cung - cầu… khiến sản phẩm đá Hải Lựu dần đuối sức so với các thương hiệu khác”.

Những khó khăn về vốn và thị trường khiến thu nhập từ trạm khắc đá giảm sút, thiếu ổn định và không tương xứng với công sức bỏ ra. Nhiều xưởng, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, đá xây dựng phải đóng cửa. Nhiều người dân phải bỏ nghề, tìm đến những công việc khác.

“Bên cạnh đó là những vấn đề nan giải về sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc phải thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm bụi đá, trong tình trạng bảo hộ thô sơ, khiến sức khỏe người lao động giảm sút. Một thời gian dài, căn bệnh lao phổi trở thành nỗi ám ảnh ở làng nghề”, ông Thư nói tiếp.

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương, huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc, đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, vực lại làng nghề. Với sự giúp đỡ của UBND huyện và tỉnh, chính quyền xã Hải Lựu đã thúc đẩy nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư giải quyết khó khăn về vốn cho các hộ làm nghề. Các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn cho người dân làm nghề thường xuyên được tổ chức. Các kế hoạch tận dụng và khai thác tối đa lợi thế về nguồn nguyên liệu đá khổng lồ của địa phương cũng được quan tâm.

“Chất lượng là ưu tiên hàng đầu, nhằm tìm kiếm lại chỗ đứng trên thị trường và tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, những thông tin về thị trường, thị hiếu của người dùng cũng được xã thường xuyên cập nhật đến người dân. Các chiến lược quảng bá thương hiệu, hội chợ, triển lãm cũng được địa phương đặc biệt quan tâm”, ông Thư cho biết.

Sau thời kỳ khủng hoảng, Hải Lựu đã thực sự trở lại

Tạo đột phá kinh tế

Những cải cách kịp thời đã giúp cho làng nghề Hải Lựu dần hóa giải được những khó khăn, từng bước lấy lại vị thế của làng nghề và trở thành mụi nhọn kinh tế chủ lực của địa phương. Thống kê cho thấy, xã Hải Lựu với gần 6.400 nhân khẩu (khoảng 1.400 hộ dân), hiện đang có tới gần 1.000 lao động chuyên làm nghề đá.

Theo thống kê của UBND xã, trên toàn địa bàn làng nghề hiện có gần 10 doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng và đá mỹ nghệ, với gần 100 lao động thường xuyên, thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (lao động chính có thể đạt 8 - 10 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra, có hơn 300 hộ, với gần 500 lao động chế tác đá tại nhà, với thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/hộ/năm.

Những sản phẩm được làm từ đá ở Hải Lựu từ đó cũng có giá trị ngày càng cao và không ngừng tăng lên. Các loại sản phẩm ở làng đá Hải Lựu cũng đa dạng hơn, không chỉ có các loại gạch, ốp, vật dụng xây tường, mà còn có các sản phẩm đá mỹ nghệ có độ khó và tinh xảo cao, như: các loại tượng phật, tòa sen, bia văn tự, đỉnh lư hương, cầu đá…

Với chất lượng vượt trội, các sản phẩm đá Hải Lựu không chỉ mở rộng được thị trường trong nước, mà còn đang tiến ra nước ngoài, với các đơn hàng đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan… Năm 2015, thu nhập bình quân của xã Hải Lựu đạt gần 20 triệu đồng/người; tỷ lệ người dân có việc làm thường xuyên đạt trên 96%.

“Sau thời kỳ khủng hoảng, Hải Lựu đã thực sự trở lại, đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Khó khăn lớn nhất còn tồn tại là tình trạng ô nhiễm môi trường. Địa phương đang tiến hành nâng cấp hệ thống thoát nước, đồng thời hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống xử lý thải, trang bị máy hút bụi. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng này, địa phương cần sự đầu tư mạnh hơn từ các cấp trên, đồng thời là ý thức của người dân”, ông Hà Văn Thư nói.

Sưu tầm

Tệp đính kèm