Các chuyên gia kinh tế cho rằng dù khó khăn nhưng quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% vẫn có khả năng đạt được và nền kinh tế đang tăng trưởng dưới tiềm năng.
Ảnh: VGP/Anh Minh
Tại Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/7, VEPR nhận định, bước sang quý II, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với mức cùng kỳ năm trước (5,78%).
Dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong quý II.
Còn tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng chậm. Nhưng khác với quý I, suy giảm công nghiệp trong quý II chỉ đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,2%).
VEPR đánh giá, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý II, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh xuống còn 4,3%, 3,19%, 2,54% trong 3 tháng của quý này.
Việc lạm phát khá yên ả tạo điều kiện cho nhà điều hành xem xét điều chỉnh giá một số mặt hàng.
Nhưng TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cùng các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, cần thực thi các các cải cách cơ bản mang tính quyết liệt, căn cơ hơn.
Đại diện VEPR dự báo tăng trưởng hai quý tiếp theo sẽ ở mức 6,7% và 7,0%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước. Với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng cũng như ảnh hưởng của cú sốc về giá thực phẩm, lạm phát năm 2017 sẽ duy trì ở mức thấp dưới 2,5%.
TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý thêm, khu vực kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi số DN ngừng hoạt động tăng đáng kể, cùng với sự suy giảm trong quy mô lao động hoạt động.
Về ngân sách, việc chi thường xuyên vẫn tăng là điều đáng lưu ý.
Trong thời gian tới, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn có khả năng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
“Nền kinh tế đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Chính phủ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hợp lý và phù hợp với yêu cầu”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.
Điểm mấu chốt là việc thúc đẩy cải cách, đầu tiên là phải cải cách từ DN Nhà nước. Đây là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Theo kế hoạch, năm 2017 được đề ra là năm giảm chi phí cho DN. Đến nay, ngân hàng đã bắt đầu hưởng ứng chủ trương cắt giảm lãi suất, nhưng các loại chi phí khác như vận tải, chi phí không chính thức chưa thấy giảm rõ rệt.
Có cùng quan điểm, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải đẩy mạnh cải cách DN Nhà nước một cách thực chất hơn. Tiếp đến đó là cải cách từ chính trong bộ máy Nhà nước.
Cần thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt chi thường xuyên như chính sách tinh giảm biên chế, thoái vốn khỏi các DN Nhà nước, cũng như nâng cao hiệu quả chi phí quản trị Nhà nước. Để giảm sức ép đối với ngân sách và tránh lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài, việc thực hiện các biện pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này là yếu tố sống còn.
Dưới góc độ ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh thêm, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài. Trong đó có hai lưu ý, tăng trưởng tín dụng không nên quá “nóng” và không thể chủ quan với lạm phát.
Theo Anh Minh/Chinhphu.vn