Cập nhật: 17/07/2017 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội viên nông dân xã An Hưng (huyện An Hải, TP Hải Phòng) tham gia buổi tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, có tới 20 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; 17 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và 15 địa phương giảm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) so năm 2016, trong đó, một số địa phương đối tượng tham gia BHYT giảm mạnh như Đác Nông giảm 7,6%, Quảng Nam giảm 5%, Cà Mau giảm 2,9%... Vì thế, việc phát triển đối tượng tham gia; đẩy mạnh công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của BHXH các địa phương.

Đôn đốc thu, mở rộng đối tượng

Theo Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Trí Đại, nguyên nhân chính của việc giảm đối tượng tham gia này là do cơ quan BHXH một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo cán bộ thu thường xuyên bám sát, đôn đốc đơn vị đăng ký tham gia cho người lao động, nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đúng quy định. Và một yếu tố quan trọng nữa là nhiều địa phương chưa xây dựng các giải pháp cụ thể để phát triển đối tượng, thu nợ phù hợp từng nhóm đối tượng và từng loại hình đơn vị. Đại lý thu hoạt động chưa hiệu quả, chưa thường xuyên trực tiếp đến tuyên truyền, vận động người dân mà chủ yếu là do người dân đến đại lý đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của BHXH các địa phương, cả nước đã có 78,029 triệu người tham gia BHXH, BHYT đạt 97,9% kế hoạch giao, tăng hai triệu người (2,6%) so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương đạt tỷ lệ phát triển đối tượng cao so với kế hoạch giao, như: Lai Châu đối tượng tham gia BHXH đạt 100,3%, Ninh Bình 102,3%; nhiều địa phương số người tham gia BHYT vượt chỉ tiêu như Quảng Ninh 105,5%, Bắc Giang 105,4%, Bến Tre 105,6%...

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ nợ cao, như Bạc Liêu nợ 173 tỷ đồng (17,4%), trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) nợ 145 tỷ đồng, chiếm 84% tổng số tiền nợ; Bình Định nợ 315 tỷ đồng (13,6%), NSNN nợ 167 tỷ đồng, chiếm 53% tổng số tiền nợ; Đác Nông nợ 92 tỷ đồng (13,6%), NSNN nợ 54 tỷ đồng chiếm 59% tổng số tiền nợ… Do các địa phương này chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ, chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp, chưa chủ động phối hợp cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng. Đồng thời, việc phối hợp liên đoàn lao động các địa phương trong công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn chậm và không hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, trong sáu tháng đầu năm, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại sáu tỉnh (Ninh Bình, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Tiền Giang, Hậu Giang) và phối hợp Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thanh tra tại hai tỉnh Kiên Giang và Lai Châu. Qua đó, phát hiện 1.323 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 9,668 tỷ đồng; 1.086 trường hợp truy thu đóng BHXH tự nguyện sai quy định; 8.447 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền phải truy đóng 5,327 tỷ đồng; 10 trường hợp gửi đóng với số tiền thoái trả là 220 triệu đồng. Các địa phương cũng tiến hành thanh tra tại 584 đơn vị, phát hiện 10.912 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, yêu cầu truy đóng 22,306 tỷ đồng; 313 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian, số tiền yêu cầu thoái thu, hoàn trả là 652 triệu đồng; 11.911 lao động đóng không đúng mức quy định, yêu cầu truy đóng 7,648 tỷ đồng…

Tăng cường các giải pháp thực hiện

Có thể thấy, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại các địa phương khá phổ biến, trong đó có cả phần kinh phí do NSNN đóng và hỗ trợ đóng cho một số đối tượng tham gia BHYT. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn chậm, nhất là các doanh nghiệp nhỏ; nhiều nội dung hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan quản lý nhà nước còn chậm, hoặc có nhưng chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp tình hình thực tế, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện… Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sáu tháng cuối năm 2017 của ngành BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ “cốt lõi” của ngành và để triển khai hiệu quả công tác này thì việc huy động và phát huy được sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, cơ quan đoàn thể cùng vào cuộc tại mỗi địa phương là hết sức quan trọng. Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền, cũng như phối hợp các đơn vị liên quan trên địa bàn. Đặc biệt, với những địa phương ngân sách còn nợ tiền mua thẻ BHYT nhiều cần chủ động làm việc với Sở Tài chính để bàn giải pháp tháo gỡ.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương phải tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; cung cấp thông tin, hồ sơ cho cơ quan liên đoàn lao động khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Phấn đấu đến ngày 31-12-2017, mỗi địa phương phải thực hiện thanh tra đột xuất ít nhất 30 đơn vị.

Các địa phương cần tiếp tục tổ chức, củng cố đại lý thu trên địa bàn xã để tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, chú trọng phát triển mạnh và tổ chức nhiều đại lý thu trên địa bàn để tạo tính cạnh tranh khi phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Theo Trưởng ban Thu Nguyễn Trí Đại, các điểm thu, đại lý thu cần phải có biển hiệu, treo ở những nơi dễ nhận biết, bởi đây là một kênh tuyên truyền hiệu quả tới người dân; tổ chức đào tạo nhân viên đại lý thu theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ người dân, từ đó phát triển đối tượng tham gia BHYT ngày càng cao.

* Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 6-2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 78,029 triệu người, đạt 97,9% kế hoạch giao. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 13,083 triệu người, đạt 94,3% kế hoạch; BHXH tự nguyện là 0,215 triệu người, đạt 57,5% kế hoạch; BH thất nghiệp là 11,277 triệu người, đạt 93,6% kế hoạch; BHYT là 77,814 triệu người, đạt 98,1% kế hoạch và đạt 83,4% số dân tham gia BHYT cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 1,2%.

 

Theo  NGUYÊN KHANG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm