Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II-2017 đạt 6,17% - cao hơn so với tốc độ tăng trưởng quý I-2017 (chỉ có 5,15%), đưa GDP nửa đầu năm 2017 tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được duy trì, đặc biệt, CPI sau sáu tháng bình quân tăng 4,15% so cùng kỳ năm 2016.
Đóng góp vào thành tích chung đó không thể không ghi nhận nỗ lực thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) đáp ứng các nhu cầu chi NSNN và kiềm chế thâm hụt NSNN. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 6-2017, tổng thu NSNN đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm - thấp hơn không nhiều so với mức đạt 42% dự toán cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên thu nội địa chỉ được 399,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán - thấp hơn hẳn so với mức đạt 43,8% nửa đầu năm 2016. Để bù đắp phần hụt thu nội địa, thu từ dầu thô lại đạt kết quả khả quan tới 21,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán - cao hơn hẳn các con số tương ứng 17,7 nghìn tỷ đồng và 32,5% dự toán năm 2016. Tương tự, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng đạt 80,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán trong khi cùng kỳ năm trước chỉ thu được 63 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán.
Bức tranh cơ cấu thu NSNN sáu tháng đầu năm nay cũng đã đảo chiều so với cùng kỳ năm 2016 do điều kiện thị trường quốc tế đã được cải thiện nhanh hơn so với điều kiện thị trường trong nước đi đôi với nỗ lực khắc phục những hạn chế trong thu NSNN bộc lộ từ năm 2016. Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất vẫn dẫn đầu về mức độ thực hiện với 44,5 nghìn tỷ đồng, đạt tới 69,8% dự toán năm và thu thuế thu nhập cá nhân được 39 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán. Ngược lại, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước được 79,3 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 40,8% dự toán - thấp hơn mức đạt 49,2% cùng kỳ năm trước và thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) được 74,1 nghìn tỷ đồng, cũng chỉ đạt 36,9% dự toán (nửa đầu năm 2016 đạt 43,2%); thu thuế bảo vệ môi trường được 16,6 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán, cũng thấp hơn hẳn mức đạt dự toán 47,4% nửa đầu năm 2016. Đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ có 82,5 nghìn tỷ đồng, đạt vỏn vẹn 28,8% dự toán năm.
Như vậy, khả năng tăng thu NSNN nói chung, tăng thu nội địa nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tốc độ cũng như hiệu quả cơ cấu lại khu vực DNNN. Nhờ nỗ lực thu NSNN nên mặc dù tổng chi NSNN đến 15-6-2017 bằng 38,4% dự toán năm (cùng kỳ năm 2016 là 39,9% dự toán) song thâm hụt NSNN sau sáu tháng qua chỉ là 32,5 nghìn tỷ đồng - thấp hơn so với mức thâm hụt tương ứng tới 82,9 nghìn tỷ đồng năm 2016. Chính vì vậy, ngành tài chính một mặt cần nỗ lực hơn nữa trong chống thất thu NSNN, mặt khác có thêm nhiều cơ chế chính sách tài chính phát triển sản xuất kinh doanh trong nước để bảo đảm hoàn thành đạt và vượt dự toán thu NSNN, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ANH VŨ / nhandan.com.vn