Cán bộ y tế huyện Tháp Mười (Ðồng Tháp) hướng dẫn người dân diệt loăng quăng.
Trước tình hình số người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền, ngành y tế các địa phương trong vùng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống.
Bác sĩ Dương Ân Hận, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Ðồng Tháp cho biết: Bệnh SXH trên địa bàn tỉnh bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 7 với số lượng hơn 100 người mắc/tuần, tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 1.726 người mắc SXH, trong đó có 115 ca nặng và có hai người chết ở hai huyện Tháp Mười, Hồng Ngự. Số người mắc nhiều nhất là ở TP Cao Lãnh, tiếp đến là các huyện Lấp Vò, Thanh Bình, Cao Lãnh...
Mới vào mùa mưa, nhưng đến giữa tháng 7, toàn tỉnh Cà Mau đã có 1.229 người mắc SXH, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2016. Ba địa phương có số người mắc SXH nhiều nhất là TP Cà Mau và hai huyện Trần Văn Thời, Ðầm Dơi. Trong tổng số 506 người mắc tại huyện Trần Văn Thời (tăng gấp năm lần so với năm trước), thì phần lớn tập trung ở thị trấn ven biển Sông Ðốc.
Tại TP Cần Thơ cũng đã có hơn 600 người mắc SXH. Riêng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 1.300 bệnh nhi mắc SXH của Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Theo BS Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số người bị SXH có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7 do bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh SXH tăng nhanh. Ðáng chú ý, số người bệnh nặng cũng nhiều hơn, chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Nếu như trước đây, bệnh SXH chỉ xảy ra vào mùa mưa, thì hiện tại bệnh xảy ra quanh năm, do biến đổi khí hậu. Gần đây, tại nhiều nơi trong khu vực có mưa trái mùa cũng khiến muỗi sinh sản nhanh, làm bùng phát bệnh.
Người dân thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) thả cá vào lu nước để diệt loăng quăng.
Trước tình hình số người mắc SXH tăng nhanh, chính quyền và ngành y tế các tỉnh, thành phố trong khu vực đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch, hạn chế thấp nhất việc lây lan trên diện rộng. Ðặc biệt là tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Ðến thời điểm này, TTYTDP tỉnh Cà Mau đã phun hóa chất diện rộng trên toàn thị trấn Sông Ðốc. Nhờ đó, số người mắc mới đã chững lại. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phun hóa chất diệt muỗi tại ấp Kinh Cũ (xã Trần Hợi), các ấp Thị Kẹo, Tân Hòa (xã Phong Ðiền) huyện Trần Văn Thời; ấp Kinh Ðào Tây, Rạch Tàu (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) và ấp Trần Ðộ (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), đồng thời xử lý thành công 346 trong tổng số 503 ổ dịch trên toàn tỉnh Cà Mau. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phòng, chống hiệu quả các ổ dịch cũ và không để gia tăng thành dịch. Các cơ sở điều trị chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực sẵn sàng tiếp nhận điều trị khi có dịch xảy ra. Ngành y tế Cà Mau đang tập trung giám sát để phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để dịch bùng phát và lan rộng; đẩy mạnh mô hình nuôi cá thí điểm để cấp phát cho hộ dân tại các địa phương; xử lý các điểm nóng, ổ dịch bệnh một cách triệt để, đúng quy định; tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng tại những vùng nguy cơ cao...; đẩy mạnh truyền thông để người dân chuyển từ tiếp nhận kiến thức sang thực hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Ngành y tế Ðồng Tháp đang triển khai giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, từ hai đến ba lần trong hai tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; bảo đảm tất cả các gia đình và tất cả các phòng, tầng trong nhà được phun thuốc diệt muỗi. Ðẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về các biện pháp diệt loăng quăng, ngủ mùng (màn) chống muỗi đốt…; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cũng cho biết, thành phố đang tích cực triển khai các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng, chống SXH, như sớm phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan diện rộng; tạo cho người dân thói quen ngủ mùng ngay cả ban ngày, diệt muỗi, loăng quăng, phát quang bụi rậm, dọn dẹp vật chứa nước mưa quanh nhà để tránh muỗi sinh sôi…
Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 29-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đi kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là địa phương có số người mắc SXH nhiều nhất cả nước hiện nay, với gần 11.200 người bệnh (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có bốn người chết; hiện tại 18 trong tổng số 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố có số người bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Sau khi kiểm tra thực địa tại một số khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngành y tế thành phố tập trung, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó chú trọng công tác truyền thông để người dân có nhận thức đúng và chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh; cần chú ý diệt loăng quăng và muỗi; khi có dịch bệnh phải phun thuốc diệt muỗi đúng cách... Song song đó, cần tăng cường tập huấn điều trị bệnh cho y tế tuyến dưới, đồng thời phân tuyến điều trị hợp lý, không để người bệnh SXH phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang.
THEO NHÓM PHÓNG VIÊN
Nhandan.com.vn