Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chỉ cắt tỉa cây, hoa ở một số điểm chứ không cắt cỏ. Kinh phí cắt cỏ được để lại đầu tư cho các lĩnh vực xã hội phục vụ dân sinh. Ảnh: NHẤT NAM
Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã cắt giảm 3.246 tỷ đồng chi ngân sách thường xuyên, không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn chi trả nợ gốc các khoản thành phố đã huy động trong các năm trước.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được giao, chặt chẽ, tiết kiệm. Ngay từ khâu phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, thành phố đã tiết kiệm các khoản chi thường xuyên 10% (năm 2017) và 20% (năm 2016) để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Ngoài ra, thành phố đã giao Sở Tài chính rà soát, cơ cấu lại dự toán để dành nguồn vốn, bổ sung thêm nguồn vốn cho chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, năm 2016 đã cắt giảm 1.750 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên và dự phòng ngân sách. Năm 2017 cắt giảm thêm 1.496 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên Chính phủ giao, bổ sung từ nguồn này 1.000 tỷ đồng cho dự phòng ngân sách và 496 tỷ đồng cho chi trả nợ gốc các khoản thành phố đã huy động cho đầu tư phát triển trong các năm trước.
Khi thực hiện dự toán ngân sách, các lĩnh vực chi thường xuyên cũng được rà soát, điều chỉnh lại. Khi xem xét đề xuất tài chính cho tài khóa giai đoạn 2016-2020, các lĩnh vực chi tiêu công như môi trường, thoát nước, thủy lợi, cây xanh, công viên… cần tới 34 nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu rà soát lại quy trình thực hiện, phát hiện nhiều mâu thuẫn, bất cập trong dự toán cho lĩnh vực này. Thí dụ quận Ba Đình chủ yếu tập trung các cơ quan, trụ sở, dân cư, hàng quán ít hơn quận Hoàn Kiếm, nhưng lượng rác thải trên đầu người lại cao hơn. Hay như huyện Hoài Đức, tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp thu hẹp dần, nhưng chi phí cho tưới, tiêu, thủy lợi năm sau lại luôn cao hơn năm trước… Rà soát thực tế còn cho thấy, quy trình, định mức duy trì các lĩnh vực công ích đô thị trước đây đã lạc hậu, hao phí nhiều lao động thủ công, nhiều hạng mục duy trì thực hiện chồng chéo và bị tách nhỏ... Thành phố đã điều chỉnh lại theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, đưa cơ giới hóa và áp dụng khoa học - kỹ thuật. Qua đó, đã cắt giảm, điều chỉnh 130 quy trình, 454 định mức, 1.071 hạng mục đơn giá. Riêng về đơn giá, nếu áp dụng theo đơn giá mới của thành phố sẽ tiết kiệm trung bình 20 đến 30% so với đơn giá trước đây. Riêng năm 2016, việc rà soát, điều chỉnh lại công tác duy trì dịch vụ công ích đô thị đã giúp thành phố tiết kiệm được 1.620 tỷ đồng.
Việc mua sắm tài sản công cũng đã thay đổi theo phương thức tập trung, giảm đầu mối trong đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện phương thức này. Đến nay, thành phố đã triển khai đấu thầu sáu gói thầu mua sắm tài sản với giá trị trúng thầu gần 360 tỷ đồng, giảm gần 23 tỷ đồng so với việc để chính các cơ quan, đơn vị đăng ký mua sắm. Cùng với đó là 26 gói thầu công ích dịch vụ vệ sinh môi trường, bình quân mỗi năm tiết kiệm được gần 45 tỷ đồng. Thành phố đang rà soát lại số xe ô-tô phục vụ công tác chung hiện có tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, triển khai thí điểm phương án thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô- tô phục vụ công tác chung tại tám cơ quan, đơn vị từ tháng 3-2017. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố mong muốn có thể quản lý, hệ thống lại việc mua sắm các thiết bị y tế và thuốc cho các bệnh viện thuộc thành phố. Bởi lĩnh vực này đang tồn tại nhiều bất cập, mà hậu quả là người dân đang phải chịu mức chi trả cho thuốc và thiết bị y tế rất cao.
Theo Sở Tài chính, để tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên một cách hiệu quả, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình tính giá dịch vụ. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giao quyền tự chủ tài chính và hướng dẫn chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công, xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng. Đồng thời, với các khoản chi thường xuyên chậm phân bổ, chính quyền các quận, huyện, thị xã đã tiến hành rà soát, dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng cho ngân sách địa phương. Các khoản tiết kiệm chi thường xuyên tiếp tục dành để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc của thành phố.
Theo AN NHIÊN /nhandan.com.vn