Bén duyên miền núi tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 10 năm trở lại đây, cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch đã vào được thị trường Malaysia, mở ra hướng đi thoát nghèo cho nông dân nơi đây.
Kiên trì
Là một trong những người đầu tiên đưa thanh long ruột đỏ về trồng, ông Nguyễn Quốc Huân ở thôn Đồng Núi, xã Vân Trục nhớ lại những ngày đầu bén duyên với cây trồng mới này. Ngày ấy, ông xin được 4 hom thanh long ruột trắng trồng trước nhà làm cảnh. Một người quen ở Bình Thuận ra chơi, thấy thanh long ruột trắng hợp đất, cho quả căng mọng đã mách ông trồng thêm giống thanh long ruột đỏ.
Vườn thanh long nhà ông Huân cuối vụ vẫn cho sai quả
Năm 2005, ông Huân mạnh dạn chặt bỏ rừng bạch đàn lâu năm, thuê người múc gốc, sẵn sàng chuẩn bị trồng cây mới. Năm ấy, ông tìm đến Viện Nghiên cứu rau quả mua giống thanh long ruột đỏ. Với kinh nghiệm ít ỏi học hỏi trên ti vi và sách vở, ông cứ ngày ngày chăm bẵm 1.000 trụ thanh long mới.
Có cây không cho quả, có cây ra hoa, quả non rồi lại rụng. Có cây dây còi cọc, quả nhỏ... khiến ông chán nản. Vợ ông - bà Đỗ Thị Kim lại tẩn mẩn kiểm tra xem giống nào tốt, giống nào kém sau mỗi mùa vụ. Những giống kém được loại bỏ, giống tốt thì nhân rộng. Sau 4 năm tỉ mẩn, gia đình ông đã chọn ra giống thanh long chuẩn, quả to, căng mọng, tai đẹp và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Đến nay, gia tài nhà ông Huân có 3.000 trụ thanh long theo từng năm tuổi. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, trụ thanh long 1 năm tuổi nhà ông có thể cho 8kg quả. Theo ông, để cây cho năng suất cao, nước tưới và phân bón là yếu tố quan trọng trong suốt cả quá trình đặt hom giống đến khi quả chín.
Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội... đến thu mua quả. Với 3.000 trụ thanh long, trong năm 2016 này, gia đình ông thu lãi đến 500 triệu đồng từ bán quả. Ngoài ra, từ thời điểm tháng 12 đến tháng 3 năm sau, ông tập trung chăm sóc cây để bán hom giống. Với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/hom, gia đình ông cũng thu lợi lớn.
Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế cao hơn các loại hoa quả truyền thống, một số hộ ở xã Vân Trục đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để trồng. Không chỉ có gia đình ông Huân, nhiều hộ khác cũng thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ.
Đưa thanh long xuất ngoại
Xác định đây là cây ăn quả mang tính hàng hoá, có hình thái quả và chất lượng đặc trưng, có thể tạo nên thương hiệu cho Lập Thạch, UBND huyện đã xây dựng dự án trồng cây thanh long ruột đỏ với diện tích 100ha trên 3 xã (Vân Trục, Xuân Hoà, Ngọc Mỹ) giai đoạn 2011 - 2013.
Nhiều người tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch
Thay vì mất 2 năm cho quả bói, cây thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã rút ngắn thời vụ xuống chỉ còn 1,5 năm. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lập Thạch, mỗi trụ bình quân cho từ 15 - 20kg quả/năm, với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra thu nhập của bà con từ bán hom giống cũng mang lại giá trị kinh tế lớn. Có những hộ đã nhạy bén đưa giống lên Yên Bái , Tuyên Quang, Quảng Ninh trồng... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều hộ xây được nhà mới.
"Hiện nay, toàn huyện Lập Thạch có hơn 70ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thấy tiềm năng xuất khẩu trái thanh long trong thời gian tới là rất lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Malaysia và các nước trong khu vực", ông Thái cho hay.
Theo đánh giá của UBND huyện, cây thanh long ruột đỏ cho lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm trong khi cây sắn cho thu lãi từ 19 - 22 triệu đồng/ha/năm, cây bạch đàn nguyên liệu thu lãi 13 - 15triệu/ha/năm. Như vậy, việc chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ đem giá trị từ 10 - 15 lần so với cây bạch đàn, sắn và các cây ăn quả truyền thống khác.
Tuy nhiên, ông Thái cũng cho biết, việc phát triển cây thanh long trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu là tự phát, phân tán, nhỏ lẻ nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn hạn chế, đầu tư thâm canh thấp; kiến thức, tay nghề của nông dân về kỹ thuật trồng trọt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm áp dụng, giá trị thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của loại cây này.
Để phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm cho 1.500 - 2.000 lao động, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện Lập Thạch đã triển khai dự án “Phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tại huyện Lập Thạch”, triển khai ở 5 xã (Xuân Hòa, Vân Trục, Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý) từ năm 2016 - 2018.
Dự án nhằm tạo nên vùng sản xuất thanh long ruột đỏ tập trung, quy mô lớn tại huyện Lập Thạch với diện tích là 300ha. Trong đó, đầu tư trồng mới 200ha và cải tạo, hỗ trợ áp dụng KH-CN mới cho 100ha thanh long đã trồng giai đoạn 2011-2013.
Đáng mừng nhất là vừa qua, 1 tấn thanh long ruột đỏ Lập Thạch lần đầu tiên “xuất ngoại” theo đường hàng không đến thành phố Klang, bang Selangor, Malaysia. Cùng với vải thiều và nhãn muộn, thanh long ruột đỏ Lập Thạch là mặt hàng trái cây thứ ba của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Malaysia. Đây là bước tiến quan trọng để thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch có cơ hội “xuất ngoại” sang thị trường các nước bạn.
Sưu tầm