Gìn giữ, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then trên quê mới Hát giao duyên truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại huyện Trấn Yên (Yên Bái) được lưu truyền qua nhiều thế hệ. “Báu vật” vô giá ấy đang được gìn giữ và trao truyền ở chính tại nơi nó được sinh ra bởi niềm đam mê, tâm huyết và ý thức tự hào dân tộc của cả một cộng đồng.
Bản Khe Đát nằm ở đèo Thao, là nơi sinh sống của hơn 90 hộ dân tộc Dao quần trắng. Bị chia cắt bởi hai con sông Hồng và sông Chảy, bao đời đồng bào sống biệt lập nhưng vẫn không ngăn nổi ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Đời sống của hơn 300 người dân trong bản đã khá hơn trước rất nhiều, song nhiều giá trị văn hóa cha ông trao truyền đã dần mai một.
Trăn trở và tiếc nuối, người dân bản Khe Đát quyết tâm tìm cách khôi phục và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Người khởi xướng và “giữ lửa” cho phong trào ấy là ông Đặng Hồng Quân - người cựu chiến binh, Chủ tịch hội đồng bản Khe Đát, người có uy tín của xã Tân Đồng.
Là người Dao, từ khi còn nhỏ, ông Đặng Hồng Quân đã gắn bó, đắm chìm trong những làn điệu dân ca, những câu hát giao duyên truyền thống của dân tộc mình. Ông luôn trăn trở phải làm thế nào để những làn điệu hát giao duyên được coi là hồn cốt, là tinh hoa giá trị tinh thần của dân tộc không bị mai một, có thể tiếp tục truyền nối cho các thế hệ mai sau.
Ông Đặng Hồng Quân dạy các làn điệu giao duyên của dân tộc Dao cho con em đồng bào tại địa phương. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Ông Quân đã dày công sưu tầm, ghi chép, phát triển bằng việc đặt các ca từ mới để những làn điệu của núi rừng không bị lãng quên, khi mà lớp trẻ hiện nay không còn mấy người biết hát, lũ trẻ lớn lên đã không còn biết nói đúng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Ông nung nấu quyết tâm mở lớp học để dạy tiếng Dao và hát những làn điệu dân ca truyền thống của người Dao quần trắng. Lớp học tiếng Dao và những làn điệu giao duyên của người Dao đã ra đời tại chính ngôi nhà sàn của ông.
Hơn 2 năm nay, từng làn điệu, từng câu hát, từng lời ca luyến láy đã được ông Quân tỉ mỉ biên soạn, hướng dẫn và trực tiếp dạy cho người dân trong làng. Mỗi buổi tối, hàng chục thành viên bản Khe Đát tập trung dưới ánh điện nhà sàn, cùng cất lên những câu hát giao duyên đằm thắm của người Dao. Cuộc sống với bao nỗi lo toan như tan biến, nhường chỗ cho những niềm say mê và tự hào về một thứ vốn quý của cha ông đang được hồi sinh.
Lớp học ban đầu chỉ có 4 - 5 người rồi cứ đông dần, có thời điểm lên tới 30-40 người, thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Ông Quân mở lớp học hoàn toàn miễn phí, bởi theo ông khi lũ trẻ luyến láy được đúng các làn điệu, hát và hiểu được ý nghĩa những lời hát bằng thứ tiếng mẹ đẻ người Dao, tức là khi ấy, thứ “báu vật” ngàn đời người Dao trao truyền đã được tiếp nối và đối với ông Quân thì đó đã là món quà quý giá nhất.
Từ khi lớp học hình thành, đã có hàng trăm người dân đồng bào dân tộc Dao quần trắng trong thôn Khe Đát và một số vùng lân cận có thể nói, hát được những bài hát giao duyên bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Những hoạt động hiệu quả, thiết thực của lớp học đã góp phần bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Dao quần trắng ở Trấn Yên nói riêng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tân Đồng.
Lớp học tại nhà của ông Đặng Hồng Quân lúc nào cũng rộn ràng tiếng hát. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Ông Quân chia sẻ, cái khó đối với dạy hát tiếng Dao chính là nhiều cháu đã không nói được tiếng mẹ đẻ chính xác. Thời buổi công nghệ thông tin và biết bao nhiêu thứ hấp dẫn khác đã khiến cho không ít trẻ em người Dao đang “mù chữ Dao”.
Đã sắp bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với ông Quân niềm trăn trở và bao tâm huyết với “báu vật” của cha ông vẫn chưa hề phai nhạt. Không những chỉ truyền dạy tiếng Dao và những làn điệu giao duyên của người Dao, ông Quân còn sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi lại các phong tục, nghi lễ cổ truyền của người Dao quần trắng trong vùng, trong đó có đám cưới người Dao.
Sưu tầm