Sau một tuần ra quân triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch sốt xuất huyết (SXH), sáng 18-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhằm tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Đội xung kích diệt bọ gậy phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội tuyên truyền người dân các biện pháp phòng tránh dịch SXH. (Ảnh: DUY LINH)
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành của TP, UBND quận, huyện, thị xã và Giám đốc các bệnh viện, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 17-8, Hà Nội đã có 17.365 người mắc SXH (trong đó có bảy trường hợp tử vong), chiếm hơn 16% tổng số người mắc trong cả nước, đứng thứ hai cả nước. Đáng chú ý, vài ngày gần đây, số người mắc đã có xu hướng chững lại. Cụ thể, ngày 14-8 có 3.076 người, ngày 15-8 có 2.635 người, ngày 16-8 có 2.588 người, ngày 17-8 có 2.575 người. Số người đang điều trị nội trú tại các bệnh viện là 2.575 người (chiếm 14,8% số người mắc).
Toàn bộ 584 phường, xã, thị trấn của thành phố đã thành lập 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với 63.119 người tham gia và 4.638 tổ giám sát với 10.095 người tham gia. Từ ngày 12 đến 17-8, các đội xung kích đã kiểm tra dụng cụ chứa nước của 1.346.189 hộ gia đình, đạt 73% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố, đã xử lý hơn 400 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy, thả hơn 40.500 con cá. Sử dụng 210 lít hóa chất diệt muỗi, phun tại hơn 24 nghìn hộ dân nằm trong vùng có dịch. Số cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu vực công cộng được phun thuốc diệt muỗi đạt 67%. Các đơn vị đã tổ chức 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và 1.000 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
Từ ngày 10 đến 17-8, Trung tâm Y tế dự phòng của thành phố tổ chức giám sát muỗi truyền bệnh tại sáu điểm công cộng gồm chợ Mai Động, chợ Thái Hà, chợ Thanh Xuân Bắc, nghĩa trang Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), nghĩa trang Quán Dền (quận Thanh Xuân), nghĩa trang Láng Hạ (quận Đống Đa), phát hiện có bọ gậy tại tất cả các bể, xô thùng chứa nước ở chợ và các lọ hoa, chén, đĩa, vũng nước đọng tại các nghĩa trang.
Một điểm đáng chú ý khác là từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 2.112 ổ dịch SXH, nhưng đến nay, 1.468 ổ dịch đã được khống chế, chiếm 69,5%. Dù nhiều ổ dịch, nhưng hầu hết là ổ dịch nhỏ, 80% ổ dịch chỉ có một, hai bệnh nhân, 15% ổ dịch có từ ba đến năm bệnh nhân, chỉ có 107 ổ dịch từ sáu bệnh nhân trở lên.
Qua lập bản đồ dịch tễ dịch SXH của thành phố đến thời điểm này cho thấy, có 12 quận, huyện đang nằm trong vùng dịch tễ báo động đỏ (tập trung đến 90% lượng bệnh nhân của toàn thành phố) gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín và Hoàn Kiếm; năm quận, huyện màu da cam; 13 quận, huyện màu vàng (có ít bệnh nhân mắc). Bản đồ này sẽ được cập nhật thường xuyên bởi vùng dịch tễ chắc chắn sẽ có biến động, một số quận, huyện từ vùng dịch tễ màu vàng có thể sẽ trở thành vùng báo động đỏ.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, năm nay dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6, tháng 7 và tháng 8. Hiện, dịch đang có xu hướng chững lại, nhưng trong thời gian tới, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết ẩm, mưa nhiều làm cho muỗi truyền bệnh phát triển. Vì vậy, Hà Nội cần có cách làm tổng thể hơn, một mình ngành y tế không thể giải quyết được hết, cần huy động tất cả các cấp, các ngành vào cuộc và phải coi đây là nhiệm vụ của mình.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo, trong hai ngày cuối tuần 19 và 20-8, thành phố tiếp tục ra quân tổng vệ sinh, không chỉ tập trung làm sạch các đường làng, ngõ xóm mà chú trọng các công trường xây dựng, các địa điểm công cộng. Thành Đoàn Hà Nội huy động lực lượng thanh niên tình nguyện phối hợp các quận, huyện ra quân làm sạch bọ gậy tại các địa điểm công cộng trên địa bàn tám quận trọng điểm có số người mắc SXH đông nhất thành phố.
Trong đợt hai của chiến dịch này (từ ngày 17 đến 24-8), các lực lượng ra quân mạnh mẽ hơn, bảo đảm 100% số hộ gia đình, trường học, chợ, công viên, vườn hoa, nghĩa trang phải được phun hóa chất diệt muỗi, làm sạch bọ gậy. Đối với một số hộ dân không hợp tác cùng chính quyền cần có sự vào cuộc của công an, thậm chí cưỡng chế để có thể xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn sự phát triển của loăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, để phòng chống SXH, mỗi cá nhân cần biết tự bảo vệ bằng cách dùng thuốc xịt muỗi, vệ sinh nơi ở, có thói quen ngủ màn, làm sạch các dụng cụ chứa nước, không để tù đọng, tạo môi trường cho muỗi sinh sản.
VIỆT ANH/NHANDAN.COM.VN